Thời điểm đã chín muồi
Ngược dòng lịch sử, báo cáo nghiên cứu đầu tiên về đường sắt tốc độ cao được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) lập trong giai đoạn 2005-2008, trong đó ưu tiên triển khai 2 đoạn Hà Nội - Hà Tĩnh và Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.
Theo nghiên cứu của KOICA, đường sắt cao tốc Bắc - Nam là đường đôi, khổ ray 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h (tốc độ khai thác thực tế 300km/h).
Lần lập báo cáo thứ 2 diễn ra từ giai đoạn 2008-2009 với đơn vị lập là liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Bản báo cáo này xác định đầu tư cả tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh với chi phí 55,8 tỷ USD.
Vào tháng 3/2010, báo cáo của VJC đã vượt qua vòng phê duyệt của Hội đồng Thẩm định Nhà nước và được Bộ Chính trị tán thành. Tháng 5/2010, dự án được trình ra Quốc hội khóa XII. Với số phiếu tán thành dưới 50%, Quốc hội đã không thông qua dự án.
Sau “cái lắc đầu” vào tháng 5/2010, dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam, đã trải qua hơn một thập niên “nâng lên đặt xuống” do những tranh luận không hồi kết về công nghệ xây dựng tương ứng với tốc độ của tuyến đường sắt này. Những khó khăn vướng mắc liên tục xuất hiện khiến cho không nhiều người tin tưởng vào việc dự án sẽ được chấp thuận.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, tin vui đã đến trong những ngày mùa thu 2024 khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 20/9/2024, trong đó xác định thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc-Nam.
Tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h dự kiến hoàn thành năm 2045 sẽ là một bước đột phá lớn không chỉ với hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới mà còn là bước tiến quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta.
Càng mừng hơn khi ở thời điểm này, nguồn lực cũng như các điều kiện để triển khai dự án cũng đã được tính toán kỹ càng.
Chia sẻ thêm về điều này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được nghiên cứu 18 năm nhưng ở thời gian trước đó chưa được chấp thuận vì còn một số băn khoăn về nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn; nợ công cao kèm theo những vấn đề chưa rõ ràng, chưa thuyết phục về tốc độ, công năng.
Qua nhiều năm nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài và tổ chức các đoàn công tác liên ngành học tập kinh nghiệm tại 6 nước có đường sắt tốc độ cao phát triển, những vấn đề này đến nay đã được kiến giải rõ ràng.
Dự án sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến dự án khoảng 67,34 tỷ USD, thời gian hoàn thành cơ bản dự án dự kiến vào năm 2035, thời gian giải ngân khoảng 12 năm. Như vậy, bình quân mỗi năm dự án cần 5,6 tỷ USD. Nếu tính tỉ lệ so với GDP dự kiến khởi công năm 2027, tỷ lệ khoảng 1% GDP. Theo những đánh giá được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính thực hiện, việc cân đối nguồn vốn và huy động nguồn vốn không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay.
Động lực cho tương lai
Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, dự án được kỳ vọng khi đi vào khai thác sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này.
Việc chi tiêu cho đầu tư cũng là một động lực tác động đến tăng trưởng kinh tế bởi trong lịch sử đầu tư công của đất nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay khi dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công.
Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc độ cao này làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Không chỉ là công trình giao thông trọng điểm, kết nối các tuyến vận tải trên cả nước, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam còn được kỳ vọng sẽ góp phần mang tới một thời kỳ phát triển kinh tế mới, đưa Việt Nam tới giai đoạn thịnh vượng.
Bởi theo như Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã từng chia sẻ, dự án này có tác động trực tiếp đến khoảng 7-8 lĩnh vực. Ngành xây dựng, giao thông, du lịch và cả những ngành phụ trợ khác đều sẽ được hưởng lợi từ dự án này.
Trên tuyến đường với 20 ga trải dài từ Bắc vào Nam, các khu đô thị cũng sẽ nối nhau mọc lên quanh những nhà ga chờ tàu khang trang, hiện đại. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Việt Nam coi phát triển đô thị là một động lực tốt để phát triển kinh tế-xã hội. Với người dân, niềm vui càng nhân lên khi dự án dự kiến sẽ tạo thêm hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động.
Với tất cả những lợi ích to lớn mang lại cho kinh tế-xã hội của Việt Nam nếu được triển khai, dự án sẽ góp phần hiện thực hóa giấc mơ “ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP Hồ Chí Minh” và mở ra một bước tiến lớn cho đất nước ta trên con đường đi tới sự thịnh vượng./.
Loan Hoàng