Gần hai năm qua, cả thế giới đang phải đối phó với một mối đại họa thực sự “vô tiền khoáng hậu”, đó là đại dịch Covid-19. Không thể kể hết những tác động to lớn của nó đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, đối với hệ thống dịch vụ y tế, an ninh trật tự, các vấn đề xã hội, và cả đến đến thói quen sinh hoạt, lối sống nói chung.
Trong nước, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2020-2021 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đang có những rà soát, điều chỉnh phù hợp và dự kiến tăng mức vay nợ công, ngoài việc bù đắp các chi tiêu tăng cao trong phòng, chống đại dịch hai năm 2020-2021, còn phục vụ một nhiệm vụ, kế hoạch lớn lao hơn, đó là đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công để kích thích sự tăng trưởng và phát triển của các ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa kích cầu sản xuất và tiêu dùng.
Về dư địa chính sách tài khóa
Có ý kiến cho rằng, với quy mô nợ công năm 2021 khoảng 43,6% GDP, thấp hơn nhiều so với ngưỡng cảnh báo (55% GDP), do đó vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, để vay bù đắp thâm hụt và phục vụ kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19.
Chủ đề ngưỡng cảnh báo nợ công/GDP đã gây hao tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu và báo giới trong gần mươi năm vừa qua, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Lập luận ủng hộ cho ý kiến nêu trên là hiện nay lãi suất cho vay trong nước và quốc tế đang ở mức thấp, nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế khá dồi dào, tạo điều kiện cho việc huy động nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là rất lớn.
Theo những gì tôi được biết, trước hết, đối với các nguồn vốn vay nợ nước ngoài với gốc ngoại tệ, nếu vay số tiền lớn, thường phục vụ mục tiêu trung và dài hạn. Lãi suất có thể thấp nhưng công việc đàm phán đòi hỏi khá nhiều thời gian. Chúng chỉ phù hợp với những dự án có tính chiến lược, đã có những nghiên cứu khả thi tốn kém thời gian, không phải cứ nghĩ ra là được. Còn các khoản vay ngắn hạn, có thể dễ tiếp cận hơn, nhưng lãi suất thương mại sẽ không thấp. Áp lực trả nợ ngắn hạn sẽ gây sức ép lên chính sách tỷ giá.
Còn đối với những khoản vay ngắn hạn trong nước, theo dự tính của Chính phủ, thì sẽ thông qua việc phát hành trái phiếu ngắn hạn. Người mua chúng khả năng cao sẽ là các ngân hàng thương mại như đã từng làm trong vài năm qua. Việc này sẽ góp phần gia tăng nghĩa vụ trả nợ từ Chính phủ, vốn dĩ đã gia tăng trong các tài khóa vừa qua. Tăng cung tiền để thực hiện nghĩa vụ nợ trong nước đến lượt nó sẽ tác động lên lạm phát.
Tôi xin phép không đi sâu vào việc lựa chọn các dự án, hay lĩnh vực nào để đầu tư trong chương trình kích thích kinh tế hậu Covid-19, nhưng trong cả hai trường hợp, nếu vay ngắn hạn, dù là từ trong hay ngoài nước, những vấn đề quan trọng mà Chính phủ cần quan tâm sâu sắc đó là khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn, và sức ép của nó lên lạm phát và tỷ giá.
Về dư địa chính sách tiền tệ và thanh khoản ngân hàng
Một ý kiến khác cho rằng không gian chính sách tiền tệ vẫn khá khả quan làm cơ sở cho vay mở rộng tỷ lệ nợ công/GDP. Dự trữ ngoại hối gần 100 tỉ đô la Mỹ có vẻ là một trong những cơ sở “bảo đảm” cho các lập luận trên. Thế nhưng, về vấn đề này, cần thiết phải xem lại chức năng của dự trữ ngoại hối đối với một nền kinh tế quốc gia.
Về lý thuyết, dự trữ ngoại hối là những tài sản ngoại hối khả dụng, được kiểm soát bởi các cơ quan quản lý tiền tệ với mục tiêu là tài trợ trực tiếp cho các khoản mất cân đối của cán cân thanh toán quốc tế, để gián tiếp điều chỉnh mức độ mất cân đối thông qua việc can thiệp vào thị trường hối đoái để ảnh hưởng đến tỷ giá và/hoặc cho các mục đích khác, trong đó có việc giữ gìn lòng tin, đặc biệt là lòng tin của các chủ nợ nước ngoài.
Tôi nghĩ rằng, không thể dựa vào một công cụ chủ yếu phục vụ sách lược ngắn hạn để phục vụ cho các mục tiêu mang tầm chiến lược. Bên cạnh đó, kịch bản sẽ càng thiếu cơ sở hơn nếu như phần lớn các khoản gia tăng nợ công sắp tới sẽ là từ các nguồn trong nước, chẳng hạn thông qua phát hành trái phiếu ngắn hạn mà người mua thường là các ngân hàng, với đồng tiền vay mượn là nội tệ.
Cuối cùng, cũng cần biết rằng, dự trữ ngoại hối là những tài sản mà các ngân hàng trung ương nắm giữ, nhưng về phân tích nguồn, tức những ai là chủ sở hữu, cơ cấu sở hữu các tài sản đó, thì lại là một vấn đề khác, rất khó phân tích, do những vấn để bảo mật dữ liệu quốc gia.
Lại có những ý kiến cho rằng, lạm phát hiện đang ở mức thấp tạo thuận lợi để nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn còn có thể tiếp tục giảm cũng là những tín hiệu tốt. Thế nhưng, các ngân hàng đang khá thừa thải thanh khoản thì bàn chi đến lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn. Cũng như vậy, liệu có cần nới lỏng tiền tệ để phục vụ đúng các mục tiêu của chính sách tiền tệ, hay là chính là để phục vụ cho chính sách tài khóa gia tăng nợ công phía trên.
Dưới góc độ này, tôi nghĩ cũng cần nhìn qua hiện tình các ngân hàng Việt Nam trong năm 2021, bởi lẽ, nó có liên quan đến lĩnh vực tiền tệ cũng như khả năng trở thành một công cụ “gián tiếp” của chính sách tiền tệ.
Hiện tình ngân hàng Việt Nam năm 2021 và các cam kết giảm lãi suất cho vay
Theo VNDirect, trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết tăng 55,5% so với cùng kỳ, hầu hết các ngân hàng niêm yết đều đạt giá trị biên lãi ròng (NIM) cao hơn trong sáu tháng đầu năm do chi phí vốn giảm sâu hơn mức giảm của tỷ suất sinh lời của tài sản, qua đó, tỷ suất sinh lời của tài sản trung bình giảm nhẹ 43 điểm cơ bản so với cùng kỳ, giảm nhẹ hơn so với đà giảm 120 điểm cơ bản của của chi phí vốn.
Nếu dữ liệu của VN Direct là xác tín, cho dù khả năng NIM sáu tháng cuối năm 2021 của 17 ngân hàng niêm yết có thể không như của sáu tháng đầu năm, đặc biệt do các ngân hàng thương mại được yêu cầu hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp trong đại dịch, nhưng tôi cho rằng, các ngân hàng niêm yết (cũng chính là các ngân hàng đã tham gia vào chương trình hạ lãi suất kể từ tháng 7-2021, ngoại trừ Agribank), vẫn khá “thảnh thơi” về bài toán hiệu quả.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ 15-7-2021 đến 30-9-2021, 16 ngân hàng thương mại bao gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (giữ 75% thị phần cho vay toàn nền kinh tế) đã thực hiện giảm lãi suất cho vay theo cam kết với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế khoảng 12.236 tỉ đồng, đạt 59,36% so với cam kết cho gần 5,5 triệu tỉ đồng dư nợ.
Lấy kết quả ước tính của VNDirect, khoản chênh lệch “trời cho”, tức chênh lệch giữa giảm chi phí vốn và giảm tỷ suất sinh lời so với cùng kỳ là 77 điểm phần trăm, chỉ cần nhân với 5,5 triệu tỉ đồng dư nợ được giảm, kết quả chênh lệch gộp (chưa tính các chi phí khác, tuy rằng chi phí lãi vẫn là cơ bản) về số tuyệt đối sẽ cao hơn nhiều lần so với con số 12.236 tỉ đồng mà 16 ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp và cá nhân trong đại dịch Covid-19.
Đó là cách lấy ước lượng của sáu tháng đầu năm để phân tích câu chuyện của các tháng cuối năm, nhưng tôi vẫn cho rằng, khả năng tận dụng lợi thế chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn khá tốt trong xu hướng lãi suất vẫn giảm kể từ tháng 7-2021, tháng khởi đầu của chiến dịch giảm hỗ trợ lãi suất như trên đã nói.
Bên cạnh đó, phép tính mô phỏng chỉ dựa vào con số 5,5 triệu tỉ đồng dư nợ cho vay được hỗ trợ, trong khi “dư địa” hưởng lợi chênh lệch lãi suất của cả hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tính đến tháng 8-2021, tổng cho vay nền kinh tế là 9,87 triệu tỉ đồng. Tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết tăng 55,5% so với cùng kỳ đã hỗ trợ cho lập luận nói trên.
Tôi nghĩ rằng, Chính phủ cần phải thực sự cẩn trọng trong việc đề xuất chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như kịch bản đã làm vào thời kỳ năm 2009, với những đặc điểm và điều kiện khác biệt rất nhiều so với bối cảnh đã và đang xảy ra trong năm 2021.
Việc hỗ trợ giảm lãi suất trong thời gian qua là một nghĩa cử đáng khích lệ của các ngân hàng đã tham gia. Một dư địa không nhỏ cho gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm mà theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có thể từ 10.000-20.000 tỉ đồng, theo tôi, vẫn còn đang nằm ở các cam kết chưa thực hiện của các ngân hàng, hiện chỉ mới thực hiện 59,36% so với tổng mức đã đồng thuận cam kết là 20.613 tỉ đồng. Đó là chưa tính các ngân hàng khác ngoài số 17 ngân hàng đã cam kết.
Tôi cho rằng, đó chính là trách nhiệm xã hội mà giới ngân hàng cần có trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn của nền kinh tế, với hàng chục, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đình đốn, phá sản, nhưng nhìn chung hệ thống ngân hàng thương mại vẫn khá “thong dong” với những kết quả rất khả quan ngoài mong đợi, ít nhất cho đến thời điểm hiện nay.
Kinh nghiệm của kích cầu giảm lãi suất năm 2009 vẫn còn đó: tình trạng giải ngân tín dụng ồ ạt; tác động lạm phát và mục tiêu ổn định tỷ giá; chưa kể các khe hở cho các phát sinh tiêu cực, trong khi cho đến nay vẫn chưa có những tổng kết, đánh giá thích đáng về hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất đó.
PGS, TS Trương Quang Thông (theo TBKTSG)