Thị trường du lịch sẽ tăng dần, nhưng theo cách từ từ. Ảnh minh họa: Internet
Dịp Tết Dương lịch 2022, lượng khách nội địa được ghi nhận là đông đúc tại một số điểm đến trong nước. Nhiều đường bay thương mại quốc tế cũng đã được mở lại cùng với sự nới lỏng các biện pháp cách ly y tế và thêm một số địa phương được đón du khách nước ngoài. Những điều này khiến nhiều người đặt kỳ vọng ngành du lịch năm 2022 sẽ khởi sắc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đặt mục tiêu phấn đấu đón 60 triệu lượt khách nội địa (bằng ba phần tư lượng khách trong năm cao điểm 2019) và 5 triệu lượt khách quốc tế (hơn một phần tư lượng khách năm 2019). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thị trường du dịch vẫn còn nhiều rủi ro.
Du lịch nội địa nhộn nhịp cục bộ
Trò chuyện với phóng viên, CEO của một công ty du lịch có hệ thống khách sạn, nhà hàng và công ty lữ hành trên khắp cả nước cho biết, dù lượng khách đến Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc… vào dịp đầu năm Dương lịch là khá đông, nhưng nhìn chung toàn thị trường thì khách đi du lịch vẫn ít, chủ yếu chỉ là những nhóm khách tự đi và đi trong cự li gần.
Như ở Hà Nội, các nhóm khách hỏi đặt phòng quanh quanh thủ đô và số người hỏi thông tin về tour Tết Nguyên đán thì chưa nhiều. Một số khách đã đặt tour miền Bắc nhưng cũng có khả năng sẽ hủy tour trước tình hình Hà Nội đang bùng dịch. Trong khi đó, các tour đến miền Trung thì chưa có nhiều người quan tâm.
Theo doanh nhân này, nếu tình hình vẫn cứ như thế thì du khách chỉ đông đúc cục bộ ở một số nơi. Bên cạnh đó, nhiều địa phương ở phía Bắc lại đang tăng cường biện pháp quản lý đối với người nhiễm Covid-19, người tiếp xúc gần với người nhiễm… Việc này cũng gây rủi ro cho các hoạt động khai thác thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng cho biết lượng khách mua tour và dịch vụ cho mùa du lịch Tết là rất ít. Và ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting cũng nói là rất khó đánh giá mức độ hồi phục của thị trường chỉ qua một kỳ nghỉ ngắn, bởi sau giai đoạn khá dài bị dịch Covid-19 tác động nặng nề, thị trường cần có nhiều thời gian để hồi phục.
Trong bối cảnh hiện nay của dịch bệnh, nhiều điểm đến du lịch vẫn duy trì (hoặc tăng cường) các quy định như không được tổ chức các sự kiện lễ hội, hoặc tụ tập đông người trong dịp Tết Nguyên Đán, cũng khiến cho thời gian hồi phục thị trường sẽ bị kéo dài hơn. “Tôi nghĩ khả năng hồi phục không mạnh và sẽ không có tăng trưởng đột ngột”, ông Phước đưa ra nhận định.
Theo Outbox Consulting, thị trường du lịch sẽ tăng dần nhưng theo cách từ từ, bắt đầu từ những nhóm khách nhỏ, đặc thù, rồi mới tới đại trà. Dự báo khách sẽ đi du lịch nhiều hơn ở giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Sáu; còn dự báo cho cả năm 2022 thì sẽ không lạc quan đến mức có thể phục hồi phần lớn thị trường nội địa.
Thị trường khách quốc tế chưa có nhiều tín hiệu vui
Thị trường khách quốc tế thì đang dần được nối lại. Sau Quảng Nam, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Kiên Giang (Phú Quốc), vừa qua, Bình Định và TPHCM cũng đã được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách nước ngoài. Dự kiến, trong thời gian tới, du khách đến Việt Nam đủ điều kiện về tiêm vaccine ngừa Covid-19 chỉ phải đi tour trọn gói trong ba ngày đầu sau khi nhập cảnh, thay vì bảy ngày như hiện tại. Những người chưa tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ cũng có thể đi du lịch Việt Nam miễn là tuân thủ các quy định về xét nghiệm, phòng chống dịch và đi tour trọn gói trong bảy ngày đầu sau khi nhập cảnh.
Thêm nữa, sau khi kết thúc chuyến du lịch, khách có thể trở về nước trên các chuyến bay thuê bao hoặc các chuyến bay thương mại, chứ không nhất thiết phải theo các chuyến thuê bao như hiện nay. Sự nới lỏng điều kiện phòng chống dịch cùng với số lượng chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang tăng dần sẽ mở thêm cơ hội để thu hút khách, tuy vậy, nhiều doanh nhân vẫn đánh giá thị trường sẽ phục hồi chậm.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, dù đường bay thương mại đã được nối lại nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ sớm tăng trưởng, mà rất có thể đến tận tháng Chín, tháng Mười (2022) mới có khách. Và những thị trường khách quốc tế có thể kỳ vọng như là Đông Bắc Á, Mỹ và châu Âu, tuy nhiên, Việt Nam cũng phải có các chính sách đối với khách du lịch tương ứng với các thị trường này. “Như ở châu Âu, trong sự kiểm soát dịch, người dân vẫn được đi lại bình thường, các dịch vụ vẫn mở, nên du lịch đã phục hồi rất tốt trong mùa hè vừa qua. Hệ thống của chúng tôi ở khu vực này đã có thể làm ăn được”, ông Kiên cho biết.
Một số doanh nhân khác cho rằng, một trong những rào cản lớn ngăn dòng khách quốc tế đến Việt Nam là chính sách thị thực. Hồi trước dịch, du khách từ rất nhiều thị trường lớn được miễn thị thực nhưng nay lại không, khiến cho nhiều doanh nghiệp, kể cả những nơi khai thác thị trường gần, cũng khó thu hút khách.
Một số doanh nhân khác cho biết họ cũng đã có sự chuẩn bị khởi động trở lại nhưng hiện vẫn chưa dám mạo hiểm. Phần lớn họ vẫn trong tình trạng “chờ một vài nơi làm trước coi sao”. Có cả trường hợp đã tính nối các chuyến bay thuê bao đưa du khách đến trong quí 1 này nhưng rồi quyết định chưa bay, vì thị trường chưa được như mong đợi.
Mục tiêu nào cho năm mới?
Sau hai năm dịch bệnh hoành hành, tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam giảm từ 755.000 tỉ đồng (2019) xuống còn 180.000 tỉ đồng (2021). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang kỳ vọng du lịch năm 2022 sẽ khởi sắc hơn với tổng thu dự kiến khoảng 400.000 tỉ đồng.
Nhiều doanh nhân cho rằng, khi phần lớn doanh nghiệp còn chưa thể hoạt động trở lại và tín hiệu thị trường vẫn khá bấp bênh như hiện nay thì cơ quan quản lý nên dành sự ưu tiên cho các chính sách giúp duy trì và phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Trong một hội nghị gần đây, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết hiện có một số ngân hàng cho doanh nghiệp du lịch cơ cấu nợ đến hết tháng Sáu năm nay.
Tuy vậy, sau thời điểm đó, nhiều khả năng hàng loạt doanh nghiệp phải giao tài sản cho ngân hàng phát mãi và đóng cửa, vì vẫn không thể trả được nợ. “Vấn đề hiện nay của doanh nghiệp du lịch là có thể tồn tại hay không chứ không phải là phát triển ra sao”, ông nói và cho rằng có sớm nhất thì cũng phải đến năm 2024, du lịch mới có thể phục hồi.
Còn theo ông Phước của Outbox Consulting, cơ quan quản lý du lịch cần đưa ra các giải pháp cụ thể chứ không chỉ là những mục tiêu về con số. “Khi muốn đặt ra và đạt được một số lượng khách du lịch nào đó thì cần giải đáp các câu hỏi như: những khách này cụ thể là ai; sẽ phải đón tiếp họ như nào; lấy gì để phục vụ họ; doanh nghiệp/nhà nước giữ vai trò gì; nguồn lực ra sao để đạt mục tiêu …? “Có như vậy thì chúng ta mới có được lời giải chính xác”, ông nói./.
Đào Loan (Theo TBKTVN)