Muốn phát triển du lịch xanh, chính người dân cũng phải có ý thức bảo vệ môi trường khi đi du lịch
Tác hại từ rác thải nhựa
Hiện nay, giảm rác thải nhựa là một trong những xu hướng cần thiết để phát triển du lịch xanh, bền vững. Tuy nhiên, tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch. Theo thống kê của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới, khoảng 3,1 triệu tấn/năm. Trong đó, lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm. Đáng lo ngại, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm du lịch chiếm tỉ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên. Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nilon/ngày; 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày; chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
Thống kê tại một số điểm đến tại Việt Nam, Vịnh Hạ Long ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Tại Sầm Sơn, trung bình 105 tấn rác thải/ngày, đêm; trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày, đêm. Tại Đà Nẵng, trong 1.100 tấn rác thải/ngày, đêm có tới 17% là rác thải nhựa, tương đương 20,8 tấn mỗi ngày...
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, rác thải nhựa tác động xấu đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm, đặc biệt với du lịch biển, đảo; làm suy giảm lượng khách và gây thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.
Cùng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam cho biết, môi trường tại các điểm du lịch luôn là vấn đề nóng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương, đồng thời cũng là một trong những lý do khiến khá nhiều du khách quốc tế "một đi không trở lại". Hiện nay, nhiều du khách khi đến Việt Nam thường quan tâm cảnh quan thiên nhiên xanh, sạch đẹp. Khi điểm đến có tác động xấu đến môi trường như gây ô nhiễm nguồn nước, xả rác thải nhựa ra môi trường... thì du khách sẽ không chọn điểm đến đó trải nghiệm.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Du Ngoạn Việt bày tỏ, chính quyền nên vào cuộc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường. Thực tế, trong quá trình đưa du khách đi tham quan ở Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội... thường nhận được phản hồi từ du khách về tình trạng một số địa điểm du lịch không đảm bảo vệ sinh môi trường, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi, thậm chí có đoạn sông có xác động vật trôi nổi… gây mất mỹ quan đô thị. Về lâu dài, những hình ảnh ô nhiễm môi trường trên sông sẽ gây phản cảm, mất điểm với du khách quốc tế.
"Một tháng qua, công ty buộc phải ngừng bán tour du lịch cho khách nước ngoài đi tham quan tuyến sông Sài Gòn. Nguyên nhân đoạn qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có quá nhiều rác thải trên sông khiến du khách phản ứng. Xót xa lắm, mỗi tuần trôi qua, công ty cũng mất ít nhất 200 khách nước ngoài đi trên kênh này nhưng không biết làm sao”, ông Phan Xuân Anh bức xúc chia sẻ.
Tăng chế tài xử phạt, nâng cao ý thức trong cộng đồng
Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, ông Văn Bá Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2019, Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung đã có những hoạt động để giảm rác thải nhựa. Bắt đầu là khuyến khích, sau dùng chế tài và nếu không sử dụng những biện pháp mạnh thì có lẽ Cù Lao Chàm không được xanh sạch, đẹp như bây giờ.
"Tỉnh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng tiêu chí xanh-sạch-đẹp với 6 chủ đề. Sau một năm triển khai, vận động chủ thể tham gia áp dụng bộ tiêu chí, thực hành xanh hóa sản phẩm du lịch, khuyến khích du lịch có trách nhiệm, tỉnh đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân. Doanh nghiệp nhận thấy đây là xu hướng để thu hút khách vì nhiều du khách sẵn sàng trả thêm cho những địa điểm thực hành tiêu chí xanh. Điều này đã góp phần làm nên những giải thưởng danh giá về du lịch mà Hội An trong những năm qua", ông Văn Bá Sơn cho biết thêm.
Cũng theo ông Văn Bá Sơn, để xanh hoá ngành du lịch, các tỉnh phải có quy định cụ thể, có chính sách đánh vào lợi ích mới thực hiện được du lịch thân thiện môi trường và từ đó thay đổi hành vi. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích các chủ thể cung cấp sản phẩm du lịch thực hiện được du lịch xanh. Chẳng hạn, ngoài khen thưởng, động viên thì ngành du lịch có thể thực hiện xếp hạng sao cơ sở lưu trú có thêm tiêu chí xanh...
Theo ông Vũ Thế Bình, trong việc phát triển du lịch thì chính người kinh doanh du lịch phải làm gương. Khi chủ cơ sở kinh doanh làm tốt, thì du khách cũng sẽ ý thức hơn để bảo vệ môi trường. Vừa qua, Hiệp hội cũng đã triển khai dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" hướng tới người kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch... Dự án được thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và sẽ được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Là địa phương đang phát triển du lịch xanh, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện tỉnh đang đưa ra nhiều giải pháp để hướng đến một mục tiêu du lịch bền vững và phát triển du lịch xanh, sạch và bảo vệ môi trường. Cụ thể, thành phố đã xây dựng và triển khai các khu vực cây xanh, cải tạo các bãi biển, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu chất thải, xử lý nước thải và tăng cường các hoạt động tái chế, tái sử dụng tài sản. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung đầu tư vào đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng lao động trong ngành du lịch. Ðiều này bảo đảm rằng, nhân lực của thành phố sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch về chất lượng dịch vụ, đồng thời giúp nâng cao năng suất lao động trong ngành. Đối với các chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng... Sở khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích bảo vệ môi trường biển...
Ngoài ra, để du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, nên ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo, chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, các tỉnh cần đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe… Bên cạnh đó, tạo nhiều sản phẩm du lịch nổi bật, khác biệt, đặc sắc, có sức cuốn hút mạnh để nâng cao uy tín thương hiệu, điểm đến Việt Nam, từ đó tạo nền tảng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ những chính sách quy định về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 có những nội dung: Sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Hoặc theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đến 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch…
Nguồn TTXVN