Khởi sắc bằng cách tự làm mới mình
Sau 2 năm tạm dừng các hoạt động du lịch, trong 7 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ ngày 31/1 - 6/2/2022), Hà Nội đã đón hơn 105.000 lượt khách đến du Xuân. Đặc biệt, dù TP Hà Nội chưa chính thức mở cửa lễ hội chùa Hương nhưng từ ngày 11/2 đến nay điểm đến này đã thu hút hàng nghìn du khách.
Trưởng Ban Quản lý Khu di tích chùa Hương Nguyễn Bá Hiển cho biết, thời gian qua khu di tích đã tiến hành chỉnh trang quán xá, sắp đặt hàng hóa, kiểm tra thuyền đò, vệ sinh khu vực, sẵn sàng đón khách hành hương trở lại. Đồng thời cơ quan chức năng bố trí phòng cách ly y tế dự phòng, xuồng y tế thường trực để xử lý các tình huống phát sinh.
Du khách quét mã QR khai báo y tế trước khi vào thăm quan di tích chùa Hương. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2022, bên cạnh việc chào bán các gói tour Tết với nhiều chương trình khuyến mại, các đơn vị du lịch đã chủ động xây dựng nhiều sản phẩm “độc, lạ” để hấp dẫn du khách. Đại diện Công ty Lữ hành VietFoot Travel chia sẻ, nhằm hướng tới đối tượng khách hạng sang, có khả năng chi trả cao, DN đã tổ chức sản phẩm du lịch bất động sản. Giám đốc Công ty Lữ hành Fivestar Travel Lương Duy Doanh cho biết, đơn vị đang tập trung chào bán sản phẩm caravan (tự lái xe) kết hợp trekking (leo núi, đi bộ địa hình) dành cho du khách thích mạo hiểm.
Còn theo Phó Giám đốc Công ty Vietravel Phạm Văn Bảy, khi Hà Nội có chủ trương mở cửa hoàn toàn, đơn vị sẵn sàng xây dựng các gói sản phẩm tour Hà Nội 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày cho du khách lưu trú.
Để đón khách khi Hà Nội mở cửa trở lại, nhiều DN đang lên kế hoạch khai thác tiềm năng lợi thế Hà Nội xây dựng các sản phẩm đặc thù, chú trọng vào sản phẩm du lịch văn hóa. Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC Trịnh Mỹ Nghệ chia sẻ, đơn vị phối hợp cùng một số công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa một ngày khám phá Thủ đô và mùa Xuân Hà Nội.
Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Hữu Thế cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, Vườn quốc gia đã đón 25.000 lượt khách du lịch. Nhằm thu hút du khách, đơn vị đang xúc tiến phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới “Mùa hoa sim” qua đó tạo cơ hội cho du khách hòa mình với thiên nhiên hoang dã.
"Việc mở cửa đón khách du lịch là một trong những giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Đối với du lịch nội địa, Hà Nội đã cho phép mở một số dịch vụ và điểm di tích, điển hình là danh thắng chùa Hương sẽ mở cửa từ ngày 16/2. Thời gian tới du lịch Hà Nội cũng tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng các điểm đến văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ, đồng thời phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm và tổ chức sự kiện)" - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ.
Tháo gỡ khó khăn cho DN
Mặc dù các DN đã tích cực chẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng, làm mới tour khi du lịch Thủ đô chuẩn bị mở cửa trở lại, tuy nhiên quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Tại Hội nghị chuẩn bị điều kiện phục hồi, phát triển du lịch do Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức, nhiều DN bày tỏ băn khoăn, lo lắng về chính sách đón khách, điều kiện về thủ tục visa, các quy định y tế, điểm đến an toàn...
Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng nêu rõ, một trong những khó khăn lớn lúc này là vấn đề nguồn nhân lực đang bị hao tổn khi các DN giảm nhân sự do dịch Covid-19. Do đó rất cần cơ quan quản lý có giải pháp hỗ trợ DN đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để lực lượng này kịp thời quay trở lại phục vụ khách khi các điểm đến mở cửa.
Du khách du Xuân tại Đường hoa Home Hanoi Xuan 2022. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Đồng tình với ý kiến này Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Phùng Xuân Khánh chia sẻ, để mở cửa phát triển du lịch, ngoài việc cởi mở hơn chính sách visa, bỏ các thủ tục cách ly, đơn giản hóa quy trình test Covid-19, TP Hà Nội cần “nới lỏng” thời gian phục vụ hệ thống cửa hàng ăn uống qua đó tạo thuận tiện cho lịch trình di chuyển của du khách. Ngoài ra, rất nhiều DN kiến nghị, đề xuất thiết lập “hành lang du lịch xanh”, xây dựng thêm các liên minh, liên kết du lịch giữa các đơn vị quản lý với hàng không, lữ hành, điểm đến, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, giá ưu đãi.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN khai thác tiềm năng thế mạnh của Hà Nội trong xây dựng tour, thu hút khách, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội trong năm 2022 - 2023.
Theo đó, kịch bản và lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (quý I và II/2022), tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế khi được Chính phủ cho phép. Các hoạt động du lịch được tổ chức theo các quy định cấp độ dịch của TP. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Giai đoạn 2 (từ quý III/2022), dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, trong giai đoạn đầu, đơn vị tập trung khai thác thị trường khách là người dân Hà Nội và các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô, sau đó mở rộng tới tỉnh trọng điểm miền Trung, miền Nam, TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, TP Hà Nội đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; Hỗ trợ DN phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch”- ông Minh nêu rõ.
Với lộ trình này, Hà Nội kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi ngành du lịch Thủ đô, tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại bình thường trong nửa đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để phục hồi du lịch Hà Nội cần đảm bảo an toàn tại các điểm đến và khách du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu mới của thị trường; Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ DN, người lao động lĩnh vực du lịch, cũng như phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch...
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trước mắt thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề. Phối hợp với các đơn vị lữ hành, cơ quan quản lý điểm đến di tích, di sản từ đó xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề.
Đồng thời xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cộng đồng theo hướng du lịch xanh tại các địa phương có tiềm năng và thế mạnh như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng…/.
Theo Kinh tế và Đô thị