Trong hơn 1 năm trở đây, khái niệm du lịch không chạm đang dần trở nên quen thuộc và là xu hướng cực hot thời hậu COVID-19. Nếu như trước đây, các giấy tờ thông hành được trao tay khi làm thủ tục kiểm tra, kiểm soát,... Điều này khiến mọi người phải xếp hàng chờ đợi, gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Nhưng với du lịch không chạm, mọi quy trình tại các quầy làm thủ tục sẽ được tự động hóa như check-in điện tử, khai báo hải quan điện tử, thanh toán điện tử, nhận dạng khuôn mặt... Với nguyên tắc hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa người với các vật dụng, ưu tiên sử dụng những thiết bị và công nghệ tự động hóa, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và thực sự trở thành một trong những giải pháp “cứu cánh” cho ngành du lịch.
Tại châu Âu, với các thành phố như Amsterdam (Hà Lan), Barcelona (Tây Ban Nha) hay London (Anh), được đánh giá là khu vực có nhiều lợi thế và đang dẫn đầu xu hướng phát triển này. Khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác đơn giản như tự phục vụ và làm thủ tục check in ở sân bay, trả tiền taxi, đặt thức ăn, xác định thời gian chờ, đọc thông tin về điểm đến hoặc thắng cảnh qua mã QR code được cung cấp. Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan của châu Á cũng đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh, từ áp dụng ví điện tử, mã QR, đến trải nghiệm du lịch thực tế ảo...
Mặc dù vẫn còn gặp một số khó khăn nhưng ngành du lịch Việt Nam cũng đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc cách mạng 4.0, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch bệnh. Nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như: Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo... Tỉnh An Giang mới đây cũng đẩy mạnh áp dụng mô hình du lịch không chạm, du khách đặt phòng trước, tuân thủ khai báo y tế khi đến và giao nhận giấy tờ, chìa khóa phòng, thanh toán,… qua vùng đệm và không tiếp xúc với nhân viên. Trong khi đó, tỉnh BR-VT từ cuối tháng 10/2022 đã ra mắt sàn thương mại điện tử về du lịch tại địa chỉ: www.dulichbariavungtau.com và www.dulich.baria-vungtau.gov.vn; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trên các kênh trực tuyến.
Có thể nói, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, là giải pháp không thể bỏ qua giúp DN tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm dịch vụ của mình, tạo bàn đạp ngay từ khi chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại. Để không lỡ nhịp phục hồi khi Chính phủ chấp thuận mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3, các chuyên gia cho rằng, đổi mới công nghệ áp dụng du lịch không chạm sẽ là cứu cánh khôi phục ngành này. Việc áp dụng đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa để các điểm đến trở thành nơi tiện lợi, sạch sẽ, an toàn, mang tới sự an tâm cho du khách. Tuy nhiên, muốn bắt kịp xu hướng và không đánh mất lợi thế cạnh tranh du lịch, các địa phương, DN du lịch cần có sự quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng cho công nghệ. Ở đó không chỉ có áp dụng công nghệ mà còn bao hàm nhiều khía cạnh khác như tính bền vững, hiệu quả, đổi mới sáng tạo và quản trị.
Ngô Gia