Trong những tháng vắng khách vì COVID-19, đội ngũ nhân sự tại An Bàng Boutique Houses & Villas (Hội An) không nghỉ ngơi mà làm việc hết sức để làm mới cơ sở lưu trú của mình. Những mảnh đất trống trước đây của khu resort giờ được phủ xanh hoa trái, rau và dược liệu. Điều thú vị là những người khách nước ngoài bị kẹt phải ở lại An Bàng trong đợt dịch, cũng hào hứng phân loại thức ăn để chế biến phân bón. Họ được An Bàng giảm giá thuê lưu trú bởi ý thức sẻ chia vì cộng đồng.
Bà Lương Thúy Hà, Quản lý An Bàng Boutique Houses & Villas, cho biết: “Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã có dự định về việc thay đổi sang sản phẩm du lịch hướng đến sức khỏe tự nhiên và thời gian qua chính là cơ hội để hành động. Sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp sạch, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đang dần hình thành rõ nét hơn và sẽ sớm được hoàn thiện trong tương lai gần”.
Trải nghiệm du lịch thuận tự nhiên ở Hội An. Ảnh: Internet
Với những doanh nghiệp thực tâm ủng hộ phát triển du lịch bền vững, năm 2020 tuy quá nhiều khó khăn nhưng giúp họ thêm kiên định với hướng đi lâu dài. Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc Điều hành Jack Trần Tours, chia sẻ: “Sau khi hết dịch, chúng tôi sẽ lại trồng dừa và làm sạch vệ sinh môi trường ở Hội An. Bởi chính cây dừa và môi trường đã tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thú vị được du khách đón nhận suốt nhiều năm qua”.
Từ xu thế du lịch thuận tự nhiên, vài năm nay, một số người làm du lịch ở Hội An đã kết nối cùng nông dân và ngư dân địa phương thiết kế các tour du lịch trải nghiệm, học tập từ đồng lúa, rừng dừa ra biển đảo. Tham gia các chuyến đi này, du khách có thêm kiến thức về hệ sinh thái tự nhiên cùng văn hóa bản địa, tăng cường sức khỏe từ hoạt động dã ngoại và hòa mình vào cuộc sống địa phương.
Song song đó, nhiều trang trại nông nghiệp du lịch như An Farm (xã Cẩm Hà, Hội An), Điện Phương Riverside Village (Điện Bàn) đã dần trở thành điểm đến ưa thích của du khách để vừa khám phá vừa trải nghiệm các sản phẩm thân thiện với sức khỏe được làm tại chỗ như trà thảo mộc, trà atisô đỏ, mặt nạ dưỡng da, ẩm thực với thực phẩm nuôi trồng tại chỗ.
Từ khi dịch bùng phát, trên từng thửa rau Trà Quế, mỗi sáng lại thấy cảnh người dân bận rộn thu hoạch rau cho kịp tỏa đi nhiều nơi. Dù các hoạt động tham quan du lịch bị ngừng trệ trong thời gian khá dài nhưng đời sống nông dân nơi đây vẫn ổn định, nhờ vào sản phẩm rau sạch đã định hình được thương hiệu từ lâu.
Tại tổ sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) cũng như một số nông trại khác trên địa bàn thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn như An Farm, An Nhiên Farm, Heal Organic Farm... dù phải tạm gác lại các chương trình đón khách tham quan nhưng đang hối hả thu hoạch nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm của cộng đồng trong thời điểm cách ly xã hội.
Ông Lê Nhương, thành viên tổ sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông, chia sẻ, do quy mô sản xuất không lớn nên nếu chỉ tính thuần thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thì mỗi hộ trong tổ kiếm được chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng, nhưng người nông dân vẫn rất tâm huyết gắn bó vì mang lại nguồn thu nhập bền vững ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Trên xứ đảo Cù Lao Chàm, khi không còn được đón hàng ngàn lượt khách ra đảo mỗi ngày, hầu hết ngư dân tại đây lại trở về với tấm chài, con thúng để mưu sinh.
Ông Chu Mạnh Trinh, cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho hay, tại Cù Lao Chàm có một số gia đình dù khấm khá nhờ du lịch - dịch vụ, con cái đều có việc làm ổn định trong đất liền, nhưng mỗi khi trở về quê nhà, các bạn trẻ đều cùng cha đi biển, đánh cá để giữ nghề truyền thống và lưu giữ văn hóa của người xứ đảo.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nhận định: “Trong dịch bệnh tại Hội An, chính nông dân, ngư dân là những người ung dung tự tại nhất dù thu nhập có giảm sút, bởi họ vẫn giữ được nghề truyền thống từ bao đời. Đó là bài học cho việc làm du lịch nương tựa vào thiên nhiên. Khi đó, ngành du lịch sẽ tạo ra nguồn thu nhập có thể chậm hơn nhưng bền vững và cho nhiều đời sau”./.
Theo Nhịp cầu đầu tư