Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ 29/1 đến 6/2/2022), cả nước đã đón khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng.
Một số điểm đến đang trở mình với lượng khách tăng đột biến, nổi bật là Tây Ninh đón 595.000 lượt khách; công suất phòng lưu trú khoảng 65%; Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 420.000 lượt khách, công suất khách sạn 3-5 sao đạt 97%; Lâm Đồng đón gần 300.000 lượt khách, công suất phòng hơn 95%; Quảng Ninh đón khoảng 290.000 lượt khách, công suất khách sạn 4-5 sao đạt 80-90%; Khánh Hòa đón hơn 98.600 lượt khách, công suất phòng hơn 72,8%...
Đặc biệt, 3 trung tâm du lịch lớn là TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều có những tín hiệu khởi sắc về du lịch. Trong 9 ngày nghỉ Tết, TPHCM đón 280.000 lượt khách, Hà Nội đón khoảng 105.000 lượt khách, Đà Nẵng đón 35.000 lượt khách.
Những con số trên cho thấy mức độ sẵn sàng và tự tin của người dân khi đi du lịch trong trạng thái "bình thường mới". Bức tranh tươi sáng trong những ngày đầu năm cũng mang lại niềm vui cho các công ty, đơn vị lữ hành khi họ phải "giật gấu vá vai" suốt 2 năm qua và gần như đã cạn lực do COVID-19 kéo dài.
Phố cổ Hội An đón lượng khách lớn tham quan du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhân Dần 2022. Ảnh: Tổ quốc
Lãnh đạo một công ty du lịch lớn ở Đà Nẵng chia sẻ rằng, 2 năm xảy ra COVID-19, hơn 1/2 số nhân viên phải nghỉ việc, những người còn lại phải xoay xở, chèo chống để duy trì hoạt động bằng việc chuyển sang làm những công việc khác.
Một tài xế từng lái xe du lịch cho một đơn vị lữ hành lớn đóng trên địa bàn Đà Nẵng nay chuyển sang chạy Grab Bike chia sẻ, mỗi lần thấy xe 45 chỗ thì anh nhớ những ngày tháng tất bật phục vụ khách hết tour này đến tour khác và không phải lo lắng về thu nhập…
Quả thật, dịch bệnh đã làm xáo trộn đời sống. Phần lớn trong số 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở nước ta bị mất việc làm, số ít còn lại loay hoay làm việc theo kiểu cầm chừng, nhiều người phải chuyển đổi nghề khác. Đến nay, khi 82% dân số đã được tiêm vaccine, trong đó 77,2% dân số tiêm đủ hai liều, 31,6% tiêm mũi 3 (thống kê của Bộ Y tế ngày 10/2), nền kinh tế cũng đang mở để thích nghi an toàn thì không có lý do chần chừ việc mở cửa du lịch trở lại, kể cả mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, gồm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua tất cả cửa khẩu quốc tế.
Nhìn ra thế giới, ngày càng nhiều quốc gia công bố kế hoạch mở cửa trở lại khi biến thể Omicron dù dễ lây lan nhưng ít gây bệnh nặng đối với người đã tiêm 2-3 liều vaccine COVID-19. Ngay cả New Zealand từng theo đuổi chiến lược "Zero COVID" nay cũng dần mở cửa. Úc mở cửa trở lại cho du khách đã tiêm vaccine từ ngày 21/2. Malaysia mở cửa hoàn toàn biên giới vào tháng 3. Philippines dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh kéo dài gần 2 năm đối với du khách nước ngoài.
Từ giữa tháng 1, Thụy Điển cho phép du khách không phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh, thậm chí còn khẳng định "du khách không còn bị coi là mối đe dọa ảnh hưởng tới sự lây lan của biến thể Omicron" tại quốc gia Bắc Âu này. Đến ngày 9/2, Thụy Điển dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng chống dịch và xét nghiệm COVID-19. Từ ngày 11/2, du khách đã tiêm vaccine trước khi nhập cảnh vào Vương quốc Anh cũng không cần làm xét nghiệm.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) nhận định: Năm 2022 là mốc quan trọng đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành du lịch nếu chính phủ các nước tiếp tục việc mở cửa và nới lỏng các quy định hạn chế. Theo đó, ngành du lịch toàn cầu có thể sẽ tạo ra hơn 58 triệu việc làm và đóng góp 8.600 tỉ USD.
Khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường du lịch Longwoods International có trụ sở chính tại Canada thực hiện đối với 1.000 người Mỹ công bố ngày 8/2 cho biết, 31% số người được hỏi đã khẳng định COVID-19 không còn ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của họ.
Người dân và du khách vui chơi tại Công viên APEC Đà Nẵng trong những ngày đầu năm. Ảnh: Tổ quốc
Có thể thấy, thế giới đang thay đổi rõ rệt về cách tiếp cận COVID-19, mở ra triển vọng hồi sinh nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Ở Việt Nam, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 là cơ sở để đa số hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục, giải trí, thể thao… được mở cửa, mang lại sinh khí mới cho toàn xã hội. Ngành du lịch theo đó cũng tăng tốc triển khai để tái khởi động.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành Chỉ thị 01 chỉ đạo Bộ VHTTDL phối hợp cùng các bên liên quan kịp thời công bố lộ trình và triển khai mở cửa lại du lịch, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Hy vọng với Chỉ thị này, cùng việc các tỉnh/thành đều đã có phương án mở cửa, nới lỏng các quy định hạn chế, các điểm du lịch cũng chủ động làm mới sản phẩm… sẽ "phá băng" cho thị trường du lịch, tháo gỡ tâm lý e ngại đi du lịch của người dân, tạo ra bức tranh tươi sáng cho ngành công nghiệp không khói này./.
Theo Tổ quốc