Nhiều mô hình, sản phẩm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và các loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên được quan tâm đầu tư, đánh dấu bước chuyển mới của ngành du lịch. Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - Hà Nội năm nay cũng chọn chủ đề “Du lịch chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” nhằm thúc đẩy nhanh sự chuyển đổi về chất “ngành công nghiệp không khói” của quốc gia, “nền kinh tế mặt tiền” của các địa phương.
Chuyển đổi xanh là yêu cầu chuyển đổi căn bản, toàn diện từ hoạch định chiến lược phát triển, chính sách pháp luật, xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp hiệu quả để huy động nguồn lực, sử dụng công nghệ, đầu tư, tài chính đến hành động thực tiễn chuyển đổi xanh. Là sự chuyển đổi từ các hoạt động sử dụng nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm sang các giải pháp xanh, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, vừa thỏa mãn nhu cầu hiện tại, vừa không làm tổn hại lợi ích tương lai.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nên du lịch chuyển đổi xanh luôn đòi hỏi sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp giải quyết liên ngành. Để đáp ứng yêu cầu này, ngành du lịch còn nhiều việc phải làm. Những bài học kinh nghiệm cần tránh lặp lại khi các điểm đến đặc sắc như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt, Phú Quốc… bị bê tông hóa nhiều; một số bãi biển tự nhiên, môi trường đa dạng sinh học ven biển, đồng bằng, núi rừng kỳ vĩ bị xâm hại do phát triển nóng, mất đi vẻ đẹp tự nhiên.
Chuyển đổi xanh phải trở thành nội dung cốt lõi trong xây dựng chiến lược, quy hoạch đầu tư đến thiết kế tour, tuyến, điểm đến, hành vi ứng xử của du khách và người làm du lịch. Quá trình chuyển đổi cần có sự vào cuộc và dẫn dắt từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, cần sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân, cộng đồng dân cư và sự tham gia tích cực của du khách. Chuyển đổi xanh trong ngành du lịch không chỉ tập trung vào các sản phẩm du lịch xanh, không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch lữ hành, vận tải hành khách, tăng trưởng lưu trú mà còn tạo lực kéo cho hàng loạt chuỗi giá trị ngành văn hóa, sự kiện, nhà hàng, ẩm thực, thương mại phát triển.
Theo đó, cần sự hợp lực với cách tiếp cận hệ thống, thực hiện theo chuỗi; phải có tiêu chí rõ ràng, phân theo từng cấp độ và cần sự hỗ trợ trên nền tảng công nghệ để thực thi hiệu quả. Cần xây dựng, ban hành đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện các quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, du lịch ban đêm; các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch mạo hiểm và một số loại hình du lịch mới.
Cần ưu tiên phát triển du lịch thông minh, số hóa toàn bộ dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến. Cần liên kết theo không gian, sản phẩm du lịch, hợp tác, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của từng địa phương mang lại hiệu quả tốt hơn.
Thay đổi cách làm để du lịch hấp dẫn hơn, nhưng lâu dài là tập trung tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông, hạ tầng, nhân lực cho ngành du lịch, kiến tạo một hệ sinh thái cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong ngành du lịch, góp phần phát triển mạnh mẽ du lịch Việt theo hướng chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.
Trần Hữu Hiệp (theo SGGP)