Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Nguồn: Tienphong)
Tại Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa được xem là một khâu đột phá trong phát triển, nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp đổi mới.
Xu thế phát triển
Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” (the culture industry) lần đầu tiên xuất hiện năm 1944, trong cuốn sách Dialectic of Enlightenment của hai nhà nghiên cứu người Đức là Adorno và Horkneimer.
Năm 1982, UNESCO cho rằng: “Công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”.
Ở nước Anh, nhà kinh tế học John Howkins khởi xướng khái niệm nền kinh tế sáng tạo (creative economy) như một gợi ý về việc sử dụng những tiềm năng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới. Thuật ngữ này đã khởi phát những khái niệm mới như các ngành kinh tế sáng tạo (creative industries), các ngành công nghiệp văn hoá (cultural industries), khởi nghiệp (start-up).
Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới. Ở nước Anh, công nghiệp văn hóa đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10-15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. Ở Nhật Bản, một đất nước có ngành công nghiệp văn hoá tầm cỡ; điển hình là xuất bản truyện, làm quà lưu niệm từ các tác phẩm truyện và làm các game từ các tác phẩm... trung bình doanh thu lên đến 2 tỷ USD.
Với Hàn Quốc, chiến lược phát triển và đầu tư bài bản đã mang lại “quả ngọt” cho nền công nghiệp văn hóa nước này. Xuất khẩu văn hóa đã thành trào lưu mang tên Hallyu - làn sóng văn hóa Hàn Quốc với những bộ phim truyền hình phủ sóng tại các nước châu Á đầu những năm 2000… cho đến các nhóm nhạc K-pop đình đám như BTS, BlackPink liên tục tạo tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc quốc tế.
Nhờ hướng đi đúng, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hàn Quốc và vươn lên vị trí thứ 7 thế giới, tạo ra khoảng 680.000 việc làm mỗi năm. Doanh thu ngành văn hóa Hàn Quốc đạt khoảng 120 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu văn hóa chiếm tới hơn 12 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng sản xuất dẫn đầu như thiết bị gia dụng, xe điện và màn hình hiển thị...
Ở Việt Nam, vai trò kinh tế của văn hóa, của các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng được nhận thức rõ, được thể hiện trong nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), công nghiệp văn hóa đã được đề cập chính thức trong Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam".
Phố đi bộ Hồ Gươm - không gian văn hóa được yêu thích và giàu tiềm năng tại Hà Nội. (Nguồn: dulichvietnam)
Ngày 18/6/2016, quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1755/QĐ-TTg) khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chiến lược chỉ rõ các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam". Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó có: "khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh"…
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Ở Việt Nam, nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa rất đa dạng và phong phú. Với chiều dài lịch sử phát triển cùng bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em, Việt Nam thực sự là kho tàng văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được. 54 anh em dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S đã hình thành nên những nền văn hóa đặc sắc, phong phú.
Bên cạnh những giá trị về văn hóa vật thể (các công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống), Việt Nam còn sở hữu vô số những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (quan họ, ca trù, hát xoan, cải lương, tuồng, chèo…)… cùng một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hoá nghệ thuật vừa tôn vinh văn hoá dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hoá nghệ thuật.
Về nguồn lực con người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng”, tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 đạt 100,3 triệu người. Đây là nguồn lực quan trọng - điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vừa với tư cách người sản xuất, vừa với tư cách người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, bên cạnh đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, Việt Nam còn có đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, làm nghề truyền thống... Họ là những “báu vật sống” của đất nước trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như du lịch, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc...
Những năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt vào ngày 8/9/2016, những thay đổi tích cực của cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được một số thành tựu nhất định. Trong giai đoạn từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm và phát huy lợi thế cạnh tranh.
Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam: sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo của Việt Nam (Hà Nội, Đà Lạt, Hội An) trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, với tư cách là thành viên có trách nhiệm của UNESCO, Việt Nam đã thể hiện sự đóng góp tích cực bằng hành động thông qua việc: ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (năm 2016); đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ (2011-2015); trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao…
Đặc biệt, việc Việt Nam 4 lần được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (năm 2019, 2020, 2022, 2023) cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hoá - một trong 12 ngành công nghiệp văn hoá đối với cộng đồng quốc tế.
Để phát triển nhanh, bền vững, độc đáo và bản sắc
Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động; đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung là các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp mới tăng cao được.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hoá phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, như: chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hoá phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…;
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thông qua các trường, thông qua liên kết với các doanh nghiệp, chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế. Ngoài ra, bổ sung chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hoá vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, để trên cơ sở dữ liệu này, có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp đối với toàn ngành công nghiệp văn hóa nói chung và từng ngành công nghiệp văn hoá nói riêng.
Để công nghiệp văn hóa đạt được như kỳ vọng “sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - cạnh tranh” không phải là điều đơn giản có thể làm được trong ngày một ngày hai. Theo các chuyên gia văn hóa, với những bất cập về phát triển công nghiệp văn hóa cho thấy chặng đường phía trước còn lắm gian lao, chúng ta cần phải có giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập phù hợp, nhất là trong cơ chế, chính sách; triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư, tập trung những sản phẩm, dịch vụ để tạo hiệu quả và sức lan tỏa, phát triển thương hiệu quốc gia…
Cùng với sự phát triển liên tục của khoa học-công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghiệp văn hóa dựa trên chất liệu cơ bản và quan trọng nhất là sáng tạo. Do vậy, xu hướng phát triển của sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo, đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế...
Sự chung tay, trên dưới đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chắc chắn sẽ giúp công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực đột phá mới cho sự phát triển bền vững đất nước.
Theo Thế giới và Việt Nam