1. “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là khát vọng thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, đó là niềm trăn trở khôn nguôi, là lẽ sống cao quý suốt cuộc đời Hồ Chí Minh. Đó cũng là khát vọng thôi thúc cả dân tộc tiếp tục đấu tranh bảo vệ độc lập, giành quyền sống và mưu cầu hạnh phúc; phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của nhân loại.
Để xây dựng đất nước độc lập, tự cường, phồn vinh và hạnh phúc, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải dựa vào nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể của cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước; đồng thời là chủ thể tối cao của đất nước và quyền lực Nhà nước. Truyền thống thân dân, trọng dân của dân tộc đã được Hồ Chí Minh kế thừa, nâng tầm và phát huy trong thời đại mới. Đó là phát huy sức mạnh vô tận của nhân dân dưới sự dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đảng và Chính phủ phải tổ chức, giáo dục,động viên nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng đời sống ấm no, xây dựng đất nước tự cường và hạnh phúc.
Chăm lo đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách của Đảng và Nhà nước, phải “gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
“Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” là “mẫu số chung để đoàn kết toàn dân Việt Nam, là cơ sở thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin, phát huy tinh thần và nội lực dân tộc trong công cuộc giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước.
2. Để phát huy vai trò nhân dân trong giai đoạn hiện nay, trước hết cần tiếp tục kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tiếp tục khẳng định, làm rõ và cụ thể vai trò làm chủ của nhân dân. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Xây dựng và bảo đảm trên thực tế các cơ chế về kiểm tra, giám sát, đánh giá của nhân dân để điều chỉnh hoạt động của mình. Loại bỏ cho được tâm lý coi thường nhân dân - một căn bệnh của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.
Tiếp tục xây dựng, bồi đắp và thực hành năng lực làm chủ của nhân dân để nhân dân thực sự làm chủ đất nước. Phát huy dân chủ phải gắn liền với nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền. Tiếp tục hoàn thiện thể chế thực thi các quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước. Đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.
Tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với vai trò cầm quyền của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là yếu tố căn cốt, nền tảng. Niềm tin của nhân dân là cơ sở quan trọng để vun đắp, củng cố sự đoàn kết, nhất trí, tạo đồng thuận xã hội; khơi nguồn sáng tạo, hứng khởi và phát huy trách nhiệm xã hội, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Lê Hằng