Việc doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước ngoài điều kiện đưa ra quá khó khăn còn có lý do là thủ tục nhiêu khê, đòi hỏi chứng minh bằng nhiều loại giấy tờ khiến doanh nghiệp hao tốn rất nhiều công sức. Thủ tục thì khó khăn trong khi lợi ích được hưởng thì không nhiều nên các doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà, không quyết tâm theo đuổi để làm thủ tục, kể cả khi được cho vay với lãi suất 0%.
Ứng dụng công nghệ trực tuyến sẽ là biện pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh chóng và tiết kiệm công sức, cũng như gia tăng tính minh bạch trong khâu xét duyệt từ các cơ quan chức năng nhà nước.
Bài học từ việc khó tiếp cận các gói hỗ trợ doanh nghiệp
Trong hai năm 2020 và 2021, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp như các gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng hay gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16.000 tỉ đồng trong năm 2020. Qua năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Với hai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng và 16.000 tỉ đồng thì trong năm 2020, số doanh nghiệp tiếp cận được rất ít. Khảo sát doanh nghiệp về thực trạng nhận các gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện hồi tháng 10-2020 cho thấy, có đến 80% doanh nghiệp không nhận được các gói hỗ trợ của Chính phủ và tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại.
Trong khi đó, với gói cho vay để trả lương có giá trị 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0%, được Ngân hàng Nhà nước triển khai từ tháng 5-2020, nhưng đến tháng 11-2020 mới có 60 doanh nghiệp được vay. Và tính đến tháng 2-2021, mới có 31/16.000 tỉ đồng được giải ngân.
Nguyên nhân của việc khó tiếp cận là các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt, nên không phù hợp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thương nhân, hộ kinh doanh nhỏ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính bằng cách nộp giấy tờ.
Tháng 7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 và tiếp theo đó là Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều kiện của Nghị quyết 68 để giúp doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp cận gói hỗ trợ này dễ hơn.
Dù gói 26.000 tỉ đồng đã có cải tiến để giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn, nhưng việc đòi hỏi hồ sơ vẫn còn rất nhiều. Đơn cử, chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động mức 1 triệu đồng/người nhưng kèm theo đó doanh nghiệp phải nộp rất nhiều giấy tờ liên quan bao gồm giấy xác nhận đóng bảo hiểm đầy đủ, phương án đào tạo kết hợp với các bên liên quan.
Điều kiện triển khai công nghệ đã có đủ
Tín hiệu khả quan là trong vài tháng qua, việc ứng dụng công nghệ để giúp sàng lọc nhanh đối tượng được hỗ trợ đã bắt đầu được áp dụng. Tại TPHCM, với gói an sinh xã hội mới đây, dữ liệu thu thập được từ các phường xã đã được chuyển về bộ phận công nghệ thông tin. Sau khi đối chiếu với dữ liệu của bảo hiểm xã hội TPHCM, danh sách người dân đủ điều kiện được hưởng trợ cấp sẽ được chuyển lại cho địa phương. Dù cách làm này vẫn còn thủ công ở giai đoạn thu thập dữ liệu nhưng cũng đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian lập ra danh sách người được hưởng trợ cấp.
Một gói hỗ trợ khác ứng dụng công nghệ tốt hơn là gói 38.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai trong tháng 10-2021. Với gói này, người dân có thể tự khai báo qua ứng dụng (app) VssID của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và nhận kết quả xét duyệt trực tiếp trên app khá tiện lợi.
Tình hình dịch tạm lắng hiện nay là cơ hội tốt để các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp, có thể tạm gọi “Cổng an sinh doanh nghiệp”. Thời điểm này, doanh nghiệp nào còn tồn tại cũng cần “hà hơi tiếp sức” từ nguồn lực quốc gia để giúp họ gượng dậy và vượt qua khó khăn.
Điều kiện để xây dựng “Cổng an sinh doanh nghiệp” hiện đã có sẵn và đầy đủ. Các nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia đã sẵn sàng với nền tảng LGSP chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh và hệ thống kết nối thông tin giữa trung ương và địa phương NGSP.
Thay vì yêu cầu doanh nghiệp và người lao động cung cấp hồ sơ thủ công như trước đây, “Cổng an sinh doanh nghiệp” có thể kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đăng ký kinh doanh, nợ xấu ngân hàng và dữ liệu dân cư và đặc biệt là cơ sở dữ liệu về thuế.
Đây là các nguồn dữ liệu có sẵn và đặc biệt là hệ thống khai thuế và đóng thuế trực tuyến đã vận hành trơn tru từ năm 2020 đến nay, cần tận dụng tối đa để mang lại thêm lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện nay gần như 100% doanh nghiệp đã khai thuế và nộp thuế trực tuyến kèm theo chữ ký số. Tính đến hết tháng 9-2021, có 99,72% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử và 99,11% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.
Với chừng đó nguồn dữ liệu, “Cổng an sinh doanh nghiệp” dễ dàng tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ có kèm theo chữ ký số của doanh nghiệp một cách tự động và trả lại kết quả nhanh chóng mà không cần yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy tờ chứng minh về thuế hay bảo hiểm xã hội. Với dữ liệu về thuế, cơ quan chức năng còn có thể chi trả trực tiếp tiền hỗ trợ vào thẳng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp như khi hoàn thuế.
Ứng dụng công nghệ sẽ giúp việc xét duyệt hồ sơ minh bạch, rõ ràng dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định sẵn trong hệ thống. Điều này sẽ giúp tránh được tình trạng cảm tính, quan liêu của mô hình xét duyệt kiểu cũ trên giấy tờ.
Công nghệ cũng sẽ giúp việc hậu kiểm dễ dàng sau khi triển khai các chính sách hỗ trợ dễ dàng hơn. Các trường hợp bị từ chối phải kèm lý do và doanh nghiệp có thể khiếu nại để xem xét và chuyển lên cấp cao hơn.
“Cổng an sinh doanh nghiệp” còn là kênh tiếp nhận trực tiếp góp ý của doanh nghiệp, người lao động về các điểm bất hợp lý trong chính sách, nhanh và đầy đủ hơn thông qua các hội thảo góp ý. Thông qua kênh này, cơ quan chức năng nhà nước có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tế./.
Theo The SaiGonTimes