Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: TTXVN
Việc Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình được ban hành ngày 30/1/2022, tức ngày 28 tháng Chạp âm lịch – ngày thứ hai trong chuỗi 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cho thấy yêu cầu cấp bách mà Chính phủ đặt ra đối với việc triển khai thực hiện chương trình quan trọng này.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là một chương trình rất lớn về kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia, được hoạch định công phu, sát với tình hình và tiềm lực thực tế của đất nước sau hai năm đương đầu với dịch bệnh, thể hiện được tầm nhìn và tính quyết đoán của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực khắc phục những hậu quả hết sức nặng nề về kinh tế và xã hội, do dịch Covid-19 gây ra, và đẩy nhanh nhịp độ phát triển đất nước.
Đích đến của chương trình này không chỉ nhằm phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế - xã hội trong hai năm trước mắt, mà còn nhằm đạt các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 và tạo đà phát triển đất nước trong 10 năm tới theo đường hướng Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Với điểm tựa là Kết luận số 24-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 1 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và Nghị quyết số 46/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, với quy mô 350.000 tỷ đồng, chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Chương trình đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong trung hạn và dài hạn; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền; hỗ trợ tài chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; đồng thời tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một chương trình có quy mô lớn và khó như vậy là không dễ, dù Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương.
Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, vẫn phải chú trọng làm tốt công tác phòng chống dịch mà trong thời gian gần đây vẫn lây lan mạnh, với mức trên dưới 30.000 ca F0 được thông báo mỗi ngày trên phạm vi cả nước – mức lây nhiễm cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch ở nước ta.
Trong công điện ngày 12/2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022 - 2023) theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến tình hình dịch bệnh; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, theo nguyên tắc “làm việc nào dứt điểm việc đó”.
Chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất rõ ràng, cụ thể và sâu sát. Vấn đề là các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công như thế nào để bảo đảm tiến độ và hiệu quả.
Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và mở cả bầu trời cho các hãng hàng không quốc tế đưa khách từ nước ngoài đến nước ta, như thời kỳ trước dịch. Điều đó càng đòi hỏi phải triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tiến độ và đạt kết quả như Nghị quyết số 11/NQ-CP đề ra.
Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới cũng đang khẩn trương thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của họ, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Trong bối cảnh hội nhập và kết nối kinh tế toàn cầu, nếu chương trình phục hồi và phát triển kinh – xã hội ở ta không bắt kịp với thế giới, đất nước có thể đứng trước nguy cơ lỡ nhịp phát triển./.
Theo VNeconomy