Sau khó khăn là điểm vàng kinh doanh
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Eurasia đạt hơn 14,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 9,9 tỷ USD tăng 11,7%, nhập khẩu đạt 4,8 tỷ USD tăng 32,2%.
Riêng trong năm 2022, do những bất ổn địa chính trị trong khu vực, kéo theo đó là khủng hoảng năng lượng, lương thực và lạm phát tăng cao ở các nước Eurasia đã tác động tiêu cực đến thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu.
Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch hai chiều giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 11,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 7,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 3,8 tỷ USD.
Về đầu tư, theo số liệu của Bộ KH&ĐT Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2022, các quốc gia khu vực Á - Âu hiện có khoảng 339 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD, tương đương với 0,4% trong tổng vốn đăng ký từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam đã đầu tư 24 dự án sang khu vực Á - Âu với tổng vốn đăng ký 1,65 tỷ USD, trong đó chủ yếu là tại Liên Bang Nga, tương đương với 8% trong tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Các con số thống kê hiện nay cho thấy giữa hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt là khi giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Á- Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm hai Hiệp định tự do thương mại: VN-EAEUFTA với Liên minh kinh tế Á - Âu (Liên Bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) và EVFTA với Liên minh châu Âu; Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); 14 Ủy ban Hỗn hợp/Ủy ban liên Chính phủ và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương.
Là một trong những doanh nghiệp đang đầu tư tại thị trường Nga, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH, cho biết sản phẩm sữa của doanh nghiệp đang được các hãng sữa lớn trên thế giới quan tâm, đặt mua với giá rất tốt. Điều này cho thấy tiềm năng và cơ hội ở thị trường Nga là rất lớn.
“Bằng chứng là TH đầu tư nhà máy ở Nga vào thời điểm khó khăn nhất nhưng thời điểm đó chúng tôi thấy rằng khó khăn sẽ là cơ hội nên đã quyết định nắm bắt điểm vàng kinh doanh này bởi nơi nào khó khăn sẽ chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam", ông Hải chia sẻ.
Tỷ trọng hàng Việt còn khiêm tốn
Không chỉ là đầu tư, thương mại ở khu vực Á – Âu cũng được đánh giá rất tiềm năng. Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên Bang Nga, cho hay thị trường Nga đang chiếm khoảng 91% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối Liên minh Kinh tế Á - Âu. Tuy vậy, hàng Việt mới chỉ chiếm dưới 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường nga, tiềm năng còn rất lớn. Nguyên nhân hàng Việt còn bỏ lỡ tiềm năng tại thị trường Nga là khoảng cách địa lý quá xa nên khó khăn ở vận tải, cùng với đó là rào cản kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm…
“Đáng chú ý, từ khi dịch COVID-19 xảy ra không có đoàn xúc tiến thương mại nào của doanh nghiệp Việt Nam sang Nga để tìm hiểu thị trường. Tại sao các doanh nghiệp Việt không tận dụng biểu thuế ưu đãi để xuất khẩu”, ông Minh bày tỏ.
Là một doanh nghiệp hiểu rõ thị trường ở khu vực Á - Âu, ông Đỗ Xuân Hoàng, Tổng giám đốc công ty Mareven Food, đánh giá hiện nay nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần hiểu rõ "khẩu vị" ở thị trường này. Theo đó, hàng hóa mà chất lượng cao nhưng giá bán quá cao cũng sẽ tiêu thụ được rất ít, đồng thời hàng hoá rẻ mà chất lượng thấp lại khó cạnh tranh với doanh nghiệp địa phương, cũng như hàng Trung quốc.
Do vậy, tùy theo đặc thù của ngành mình, doanh nghiệp Việt Nam nên có sự tính toán trước khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng để thâm nhập thị trường tốt hơn.
Hay đối với khu vực Đông Âu, Tham tán Thương mại Nguyễn Thành Hải, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, cho biết thông thường nông sản Việt Nam đi qua khu vực Đông Âu bằng đường biển phải mất 42-45 ngày, chưa kể thời gian thông quan, vận chuyển trong nội địa nước sở tại… Điều này đẩy giá sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh với hàng nội địa. Trong khi đó, việc vận chuyển nông sản qua đường sắt và đường hàng không còn khó khăn.
Bên cạnh đó, đa phần nông sản nói riêng và hàng hóa Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được siêu thị, nhà bán lẻ lớn ở khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu vào thực phẩm khắt khe, khó cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…
Đáng chú ý, Tham tán thương mại Nguyễn Thành Hải cũng cho rằng, dường như doanh nghiệp Việt Nam đang lãng quên một số hội chợ chuyên ngành lớn tại Đông Âu, chỉ tập trung ở Tây Âu. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên dành thời gian, nhân lực để tham gia thêm hội chợ chuyên ngành thực phẩm tại các thị trường này./.