Hội đồng nhân dân TPHCM vừa thông qua gói hỗ trợ năm 2021 đối với người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Đây là gói hỗ trợ lần 2 - trị giá 886 tỷ đồng, của TPHCM, sau gói hỗ trợ lần 1 được triển khai với quy mô 612 tỷ đồng vào năm 2020.
Việc chính quyền TPHCM thông qua chính sách đặc thù phục vụ phòng chống dịch và hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trong giai đoạn hiện nay là điều rất đáng trân trọng. Đồng thời cho thấy sự quan tâm của chính quyền TPHCM là khá toàn diện, không chỉ là tập trung phòng chống dịch mà còn hướng đến việc đảm bảo an sinh xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa TPHCM đang đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ - là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tiếp tục đưa ra giải pháp hỗ trợ thiết thực giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất.
Người bán hàng rong bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - họ là một trong những thành phần được hỗ trợ trong gói hỗ trợ Covid-19 với 886 tỉ đồng. Ảnh: Thanh niên
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, giữa chính sách với việc thực hiện trên thực tế luôn có khoảng cách và đây chính là nguyên nhân khiến chính sách hỗ trợ chưa đạt hiệu quả như mong muốn, dù ngay trong chính sách có ý tưởng rất tốt và nhân văn. Chúng ta có thể thấy điều này qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đánh giá, việc triển khai chính sách vẫn còn chậm, chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm dễ bị tổn thương.
Rõ ràng đây là một điều mà chính quyền TPHCM cần xem xét thấu đáo trong lần hỗ trợ này. Trong bất cứ tình huống khủng hoảng nào, luôn luôn có những nhóm bị tổn thương nhiều hơn những nhóm khác. Chúng ta có thể nêu những nhóm dễ bị tổn thương như người lao động tự do trong khu vực kinh tế phi chính thức, những công nhân, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể... Điểm mừng là những nhóm người lao động này đã được chính quyền TPHCM ưu tiên, đưa vào diện được thụ hưởng trong gói hỗ trợ lần 2.
Khi đã xác định được các nhóm ưu tiên hỗ trợ rồi thì một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng để chính sách hỗ trợ đi vào thực tế là cách triển khai, các quy trình, thủ tục giúp người dân được thụ hưởng một cách nhanh nhất, sớm nhất, đúng lúc nhất.
Có thể nói rằng một trong những yếu tố làm cho các chính sách hỗ trợ trước đây chưa đạt hiệu quả cao là do quy trình, thủ tục quá rườm rà, chồng chéo và đôi khi phi lý. Các bậc tiền nhân đã đúc kết “của cho không bằng cách cho”. Do đó, việc thực hiện gói hỗ trợ của TPHCM cần dựa trên các nguyên tắc là công bằng, minh bạch và dễ dàng.
TPHCM đã có tâm ý hỗ trợ người dân đồng thời cần phải thiết kế các quy trình thủ tục sao cho dễ dàng và tiện lợi nhất cho người dân. Không vì một số thủ tục nào đó mà người dân gặp khó khăn thật sự lại không được hưởng sự hỗ trợ thiết thực. Bởi chỉ cần bất kỳ một sự “khó khăn” nào trong quá trình chi trả gói hỗ trợ, cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến ý nghĩa nhân văn của sự hỗ trợ. Chẳng hạn, quy định người dân lao động tự do cần có xác nhận tạm trú của công an. Không phải người dân lao động tự do nào ở TPHCM cũng có đăng ký tạm trú. Do đó, TPHCM có thể linh hoạt quy định này bằng cách chỉ cần sự xác nhận của tổ trưởng dân phố bởi chính người dân ở cộng đồng là người biết rõ người cần được hỗ trợ có cư trú ở địa bàn hay không. Điều này vừa giảm áp lực công việc cho công an lại vừa phát huy được vai trò của cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý đó là việc truyền thông, thông tin về đợt hỗ trợ lần này của TPHCM. Các nghiên cứu trước đây về triển khai các chính sách xã hội cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến một số người dân chưa thụ hưởng được các chính sách an sinh xã hội là vì họ không nắm bắt được các thông tin này. Những người lao động tự do không phải ai cũng có điều kiện, phương tiện để tiếp nhận, biết được thông tin về gói hỗ trợ. Do đó, TPHCM cần có sự tham gia tích cực của khu phố, tổ dân phố cũng như của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc phổ biến, đưa thông tin đến các nhóm đối tượng cần được hỗ trợ.
Có thể nói, triển khai gói hỗ trợ với thủ tục được thiết kế đơn giản nhất, đi cùng là việc thông tin một cách công khai, minh bạch, mới là đường đi nhanh nhất, sớm nhất của gói hỗ trợ đến đúng với người cần thụ hưởng tại TPHCM./.
Lê Minh Tiến (theo SGGP)