Trước những biến đổi của tình hình thế giới, khu vực và xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới với nội dung: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Như vậy, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định mục tiêu hàng đầu của hoạt động đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Lợi ích tối cao quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc xuyên suốt của đối ngoại.
Với vai trò không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước, đối ngoại Việt Nam trong những năm tới cần triển khai thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là: Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Do đó, đối ngoại Đảng có điều kiện để phát huy vai trò mạnh mẽ, đóng Một là,góp cho công tác đối ngoại chung của đất nước.
Hai là: Xây dựng nền ngoại giao hiện đại phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế của đất nước, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trong đó, ngoại giao kinh tế cần phải nâng tầm, đi tiên phong, đổi mới không ngừng và nâng cao hiệu quả hơn nữa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Ngành ngoại giao và cán bộ ngoại giao cần thống nhất tư tưởng và hành động xem ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn hiện nay, từ đó lấy hiệu quả ngoại giao kinh tế làm tiêu chuẩn để đánh giá các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Ba là: Đẩy mạnh đối ngoại đa phương, gắn kết giữa lợi ích quốc gia – dân tộc với trách nhiệm quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đòi hỏi các quốc gia gắn chặt với nhau trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống cùng với sự khó lường của chính trị quốc tế hiện nay, các thể chế đa phương càng trở nên có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam theo đuổi các mục tiêu đối ngoại của mình.
Bốn là: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại của Đại hội XIII, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa các cấp, các ngành, các địa phương.
Năm là: Chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong những năm tới, bên cạnh đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 4 khóa XII và XIII, cần tiếp tục rà soát, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng làm công tác đối ngoại, từ các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài đến các đơn vị trong nước, hướng tới tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả công tác đối ngoại nói chung, hội nhập quốc tế của đất nước nói riêng./.
P.V.R