Tuy nhiên theo khuyến cáo của một số chuyên gia ngân hàng, giá vàng miếng sẽ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành, người dân cần theo dõi, không nên "dốc túi" mua ngay những ngày đầu; đồng thời cân nhắc khi muốn mua số lượng lớn, hay là có ý định rút tiền ngân hàng để mua vàng.
Giá SJC “lao dốc”, dân “đội nắng” chờ cả tiếng để mua vàng
Vào trưa 3/6, NHNN đã công bố giá bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 78,98 triệu đồng/lượng. Tới 14 giờ 30 phút chiều 3/7, các ngân hàng đã bán ra đồng loạt là 79,98 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá mua vào.
Mức giá này được xem hợp lý trong bối cảnh thời gian dài, giá vàng SJC liên tục lập đỉnh, có thời điểm lên tới hơn 92,4 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới lên tới 19 - 20 triệu đồng/lượng, cao kỷ lục từ trước đến nay. Với giá đó, người dân vẫn xếp hàng tranh mua vì tin rằng, giá SJC còn tăng nữa, có thể lên đến trên 100 triệu đồng/lượng.
Dù thời tiết chiều 3/6 khá nóng, song nhiều người dân vẫn tới mua vàng tại các điểm vàng của “big 4”. Mặc dù, các ngân hàng mở bán từ 14 giờ 30 phút nhưng trước đó cả tiếng, nhiều người đã tới chờ lấy số, xếp hàng để mua vàng.
Tại trụ sở Agribank chi nhánh Sở Giao dịch số 2 Láng Hạ, phường Thành Công (Hà Nội), Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng đã trực tiếp xuống chỉ đạo các cán bộ, nhân viên ngân hàng đón tiếp, phục vụ khách hàng. Với mặt tiền trụ sở khá rộng, bãi để xe đông kín cùng quầy giao dịch hoạt động sôi động để hỗ trợ các khách hàng tới sử dụng các dịch vụ của Agribank cũng như mua vàng. Đầu giờ chiều 3/6, có khách hàng mua số lượng vàng khá lớn, phải làm các thủ tục theo quy định nên nhiều khách hàng xếp sau phải đợi lâu.
Ở BIDV Chi nhánh Hà Thành (số 74 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào 14 giờ chiều 3/6, mặc dù ngân hàng chưa mở bán nhưng nhiều người đã có mặt để mua vàng. Tại chi nhánh này, quy trình phục vụ khách khá nhanh nhưng lượng mua đông nên chỉ sau 10 phút mở bán, những khách hàng tới từ 15 giờ kém đã được nhân viên trả lời “khách có thể mua vàng vào sáng 4/6 do ngân hàng không phát thêm số”.
Theo quan sát của phóng viên báo Tin tức, khách hàng có số thứ tự nhưng chưa được mua vàng sẽ được điểm bán vàng của VietinBank tại Tòa nhà Hoàng Thành, 114 Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ghi nhận để sáng 4/6 phục vụ khách hàng. Còn tại Trung tâm Vàng bạc đá quý SJC Trần Nhân Tông (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), lượng vàng miếng SJC hết rất sớm. Chiều 3/6, nhiều khách hàng tới mua nhưng không có vàng.
Trao đổi với báo giới chiều 3/6, đại diện Vietcombank cho biết: Vietcombank và 3 NHTM Nhà nước khác tham gia mua vàng trực tiếp từ NHNN và NHNN quy định số lượng tối đa và tối thiểu của từng NHTM Nhà nước theo từng phiên.
Tại các điểm bán vàng của Viecombank, Vietcombank đã bố trí để khách hàng mua vàng được xếp số theo thứ tự. Vietcombank bán cho khách hàng số lượng vàng miếng theo nhu cầu và căn cứ vào số lượng vàng miếng có sẵn trong kho của ngân hàng. Trường hợp trong kho hết vàng miếng tại thời điểm khách hàng có nhu cầu mua vàng miếng, việc bán vàng sẽ được tiếp tục khi Vietcombank mua được vàng miếng từ NHNN trong các phiên tiếp theo. Khách hàng có thể quay lại giao dịch vào thời điểm khác khi ngân hàng có đủ hàng.
“Vietcombank đang xem thêm phương án khách hàng có thể đặt mua để đảm bảo Vietcombank có thể đáp ứng đủ yêu cầu của khách hàng. Khi đặt mua, Vietcombank sẽ yêu cầu khách hàng đặt cọc 20% theo giá bán tại thời điểm đặt cọc. Khách hàng thanh toán theo giá bán tại thời điểm mua vàng. Trong trường hợp này, nếu khách hàng không mua vàng theo yêu cầu đặt mua trước, khách hàng sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc”, đại diện Vietcombank cho biết.
Trong khi đó, tại các điểm “phố vàng”, Trần Nhân Tông (Hà Nội) với cửa hàng kinh doanh vàng của Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Doji đều vắng khách, khác hẳn với các đợt náo nhiệt khi cả một thời gian dài, giá vàng SJC liên tục “lập đỉnh” nhưng khách vẫn xếp hàng dài để mua.
Cuối giờ chiều 3/6, giá vàng miếng tại Công ty SJC mua vào – bán ra là: 77,98 – 79,98 triệu đồng/lượng, giảm 3,02 triệu đồng/lượng so với phiên ngày 2/6. Công ty SJC cũng thực hiện giá bán ra giống 4 NHTM Nhà nước, theo phương án bình ổn thị trường vàng của NHNN.
Điều khác lạ là giá bán vàng SJC tại hệ thống PNJ và Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) hoặc Mi Hồng (TP Hồ Chí Minh) đồng loạt giảm mạnh với giá bán ra là 79,98 triệu đồng/lượng, giảm 3,02 triệu đồng/lượng so với phiên ngày 2/6.
Còn tại Doji, giá vàng SJC mua vào - bán ra là 85,20 - 86,70 triệu đồng/lượng, chỉ giảm 100.000 đồng/lượng so với phiên ngày 2/6.
Thận trọng khi mua vì xu hướng giá còn giảm
Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, 4 NHTM Nhà nước công bố giá vàng bán trực tiếp cho người dân là 79,98 triệu đồng/lượng được xem là mức giá hợp lý.
“Thực tế, chỉ 5 ngày sau khi NHNN công bố bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng lớn để các ngân hàng này bán trực tiếp cho người dân theo giải pháp bình ổn mới thì tới sáng 3/6, dù chưa có lượng vàng nào được bán ra theo cách trên nhưng giá vàng đã giảm tới 10 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá vàng đã giảm từ mức khoảng 16,2 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 9,5 triệu đồng/lượng. Điều đó cho thấy được tác động tích cực về biện pháp mới để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế mà NHNN triển khai”, ông Trần Duy Phương cho biết.
Đề cập về việc khả năng nguồn cung mở bán ngày đầu tiên còn ít nên nhiều người dân phải ra về sớm, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng: Điều cũng là điều dễ hiểu, bởi buổi đầu tiên NHNN có thể chưa nắm được nhu cầu trên thị trường, không lường được người dân có thể mua nhiều nên có thể phía NHNN chưa bán nhiều vàng cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC.
“Sau buổi chiều hôm nay, với nhu cầu thực tế trên thị trường được nắm bắt, từ ngày 4/6, dự báo NHNN sẽ cung ra thị trường nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu người dân. Diễn biến trên thị trường những ngày gần đây cho thấy, giải pháp NHNN thực hiện giải pháp bình ổn thị trường là hợp lý. Nếu duy trì nguồn cung trên thị trường sẽ tạo tâm lý tốt đối với người dân và thời gian tới người dân sẽ không còn mua vàng nhiều nữa bởi họ thấy mua vàng sẽ không có lời như trước” ông Trần Duy Phương dự báo.
Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, khách hàng có thể yên tâm về giá vàng do NHNN công bố và các NHTM Nhà nước, cùng với SJC bán với chủ trương can thiệp, bình ổn giá của thị trường. “Giá vàng sẽ được các ngân hàng tính toán, cân nhắc dựa trên diễn biến thị trường để đưa mức giá phù hợp. Không hẳn mua lại từ NHNN mức giá cố định, NHTM sẽ bán ra cùng một mức giá bởi vì sẽ căn cứ vào mức giá thị trường, xu hướng bình ổn giá, từng bước giá sẽ có điều chỉnh”, lãnh đạo Agribank cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phượng khuyến cáo: Để mua vàng thuận lợi, khách hàng nên hạn chế mang tiền mặt vì không an toàn trong giao dịch. Khách cố gắng mở tài khoản để giao dịch vừa an toàn lại nhanh, tiết kiệm thời gian.
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Mức giá NHNN bán cho các NHTM Nhà nước là mức giá giảm khá sâu so với tuần trước là khoảng 82 triệu đồng/lượng và cả mức kỷ lục thiết lập trước đó là hơn 92 triệu đồng/lượng. “NHNN có thể sẽ giảm giá bán theo từng đợt thay vì mạnh tay giảm ‘sốc’ luôn một lúc để đánh giá phản ứng thị trường. Tôi cho rằng, thị trường có thể phản ứng theo 2 xu hướng. Xu hướng đầu tiên, một bộ phận người dân có thể chưa phản ứng mạnh mẽ. Họ sẽ đợi NHNN có giảm giá thêm nữa không? Phản ứng thứ hai có thể xảy ra, người dân sẽ mua luôn vì thấy giá vàng giảm khá sâu; đồng thời kỳ vọng giá sẽ tăng trong tương lai”, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, có 2 yếu tố quyết định liệu rằng biện pháp này hiện tại có thành công về lâu dài: Đầu tiên, lượng vàng NHNN đang có, liệu có đáp ứng đủ nhu cầu không? Nếu muốn duy trì mức hiện tại sẽ đòi hỏi lượng vàng rất lớn. Yếu tố thứ 2 là giá bán phải phù hợp. Thời gian tới, mức chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng thế giới từ 3 - 5 triệu đồng/lượng được coi là phù hợp.
Nguồn Báo tin tức