Kết quả có được nhờ các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe.
Tận dụng lợi thế về giá gạo Việt Nam so với Thái Lan và Ấn Độ hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh những phân khúc cấp cao để xuất khẩu được giá tốt hơn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới. Để giữ giá bán tốt, nhiều nhà máy đã mạnh dạn đầu tư các kho lạnh hiện đại. Nhờ vậy, gạo được dự trữ an toàn, chủ động nguồn hàng xuất khẩu.
"Đến nay An Giang đã có trên 30 doanh nghiệp lương thực liên kết sản xuất đảm bảo chất lượng, theo hướng an toàn, hữu cơ", ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết.
Gạo Việt thời gian qua liên tục mở rộng sang các thị trường mới cao cấp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Gạo Việt thời gian qua liên tục mở rộng sang các thị trường mới cao cấp. Nhật Bản chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng. Tiếp đó là hàng loạt thị trường khó tính như Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.
"Thị trường Thụy Điển có sự tăng trưởng ngoạn mục. Nếu kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2017 mới chỉ có 47.000 USD thì năm 2021 đạt gần 2,8 triệu USD. Trung bình trong giai đoạn 5 năm đạt 211%/năm", bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, thông tin.
"Chúng ta tận dụng khá tốt ưu đãi từ các hiệp định để xuất khẩu sang thị trường Anh, EU, nắm bắt được thông tin về những quy định mới của nước bạn, tránh tình trạng hàng hóa sang đến nơi mới bị trả lại", bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho hay.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm. Vì vậy, nhu cầu cho gạo Việt những tháng cuối năm vẫn rất tốt, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Nguồn VTV