Rác đi quà về
Vài năm trở lại đây, khái niệm thời trang bền vững được quan tâm và các nhãn hàng chú trọng, tuy nhiên giá thành sản phẩm vẫn là điều khiến nhiều người lăn tăn. Sản phẩm “xanh” và chất lượng có giá thành cao là chuyện đương nhiên, nhưng với nhu cầu ăn mặc thay đổi liên tục của giới trẻ, chuyện “sống xanh” có vẻ xếp sau việc hợp “mốt”.
Hiểu được điều này, Gen Xanh (một nhóm hoạt động về môi trường và xã hội, trụ sở tại 67 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM), với chiến dịch “Rác đi quà về” khởi động từ ngày 4-5-2020 đến nay, tích cực mở những điểm thu gom rác đổi quà tại các quận, huyện ở TPHCM và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Quần áo cũ sau khi nhận về được nhóm phân loại, một phần giữ lại làm gian hàng gây quỹ hoạt động cho Gen Xanh; một phần làm nguyên liệu tái chế thành đồ dùng như gối, túi xách…; phần lớn sẽ phân chia cho các nhóm thiện nguyện cần quần áo cũ gửi tặng các hoàn cảnh khó khăn.
Một buổi thu gom rác đổi quà do nhóm Gen Xanh tổ chức
(Ảnh chụp ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát trong cộng đồng)
Thu dọn lại tủ quần áo, chia đồ không sử dụng thành từng túi và chờ nhóm thu gom đến nhà lấy, chị Nguyễn Thị Thu Hoài (26 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết: “Trước đây, cứ đồ không dùng là tôi bỏ, cho người khác thì ngại, sợ không phù hợp. Từ khi biết đến nhóm, cứ đăng ký qua số điện thoại là hôm sau có bạn tới nhận để mang đi tái chế, còn gửi lại chút quà nhỏ như móc khóa hay xà bông hữu cơ cho mình”.
Lướt bản đồ trên website genxanhvn.org của Gen Xanh, tìm điểm màu xanh gần khu vực mình đang ở, số điện thoại nhóm bạn thu gom sẽ hiện ra để kết nối. Vũ Tuấn Hoàng (28 tuổi, ngụ quận 10) chia sẻ: “Tìm theo quận huyện mình đang ở, có điểm xanh thì click vào để liên lạc với nhóm thu gom; còn biểu tượng ngôi nhà màu xanh là những điểm thu gom cố định, hôm nào có thời gian thì tôi chở đồ tới những điểm đó. Là nhân viên kỹ thuật, tôi có thói quen mua khá nhiều phụ kiện công nghệ, mấy đồ này hư rất cần xử lý chuyên nghiệp, chứ bỏ vô thùng rác như rác thải thông thường sẽ gây hại cho môi trường. Chuyện sống xanh muốn làm một sớm một chiều rất khó, nhưng trước hết biết cách phân loại rác thải cũng là sống xanh rồi”.
Cài mã gen xanh
Ngoài chiến dịch “Rác đi quà về”, trung bình từ 1-2 tháng, Gen Xanh sẽ tổ chức phiên chợ xanh, đưa các sản phẩm hữu cơ, thân thiện đến gần hơn với mọi người. Bên cạnh đó là các buổi workshop về chủ đề thiên nhiên, môi trường dành cho trẻ em từ 5-12 tuổi đi cùng phụ huynh, giúp các em nhỏ ý thức và có động lực hơn trong việc sống xanh, biết quý trọng môi trường.
Đặng Thị Thơm (Thơm Đặng, 18 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, người sáng lập Gen Xanh) kể: “Do ảnh hưởng từ một người chị trong gia đình khá quan tâm đến các vấn đề môi trường, cùng với việc tìm hiểu qua mạng xã hội và báo đài về những dự án xanh, em nghĩ tại sao mình không làm một hoạt động gì đó để góp sức với mọi người bảo vệ môi trường mình đang sống? Vậy là em bắt tay triển khai từng phần việc cho Gen Xanh”.
Để có một Gen Xanh với nhiều hoạt động vì môi trường xanh, những ngày đầu thành lập, không ít khó khăn với cô gái trẻ. Thơm Đặng cho biết: “Em đã phải nghĩ về nhiều vấn đề, từ việc tìm kiếm nhân lực, mở trạm thu gom đến việc làm sao để mọi người tin tưởng và đồng hành với mình. Nhưng khó khăn nhất vẫn là kinh phí. Hiện tại kinh phí để duy trì hoạt động là do các thành viên trong nhóm góp vào và một phần được ống hút tre Halo Bamboo, ống hút gạo Nuihut tài trợ quà tặng. Điều này phần nào giảm áp lực cho nhóm duy trì các hoạt động thường xuyên”.
“Em nghĩ ai cũng nên có trách nhiệm đối với môi trường sống của chính mình. Như cái tên Gen Xanh với ý nghĩa: “gen” là gen di truyền, “xanh” là lối sống xanh; Gen Xanh mong muốn có thể cài mã gen xanh vào tâm thức mỗi người, và hơn hết là mã gen ấy sẽ di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nói một cách hóm hỉnh, thì nhóm hy vọng có thể cài mã gen xanh vào các bạn trẻ để các bạn có thêm động lực hành động bảo vệ Trái đất cũng như truyền lại cho các thế hệ sau này”, Thơm Đặng bày tỏ.
Ngoài thu gom quần áo cũ, rác thải điện tử, nhóm Gen Xanh cũng nhận rác thải thủy tinh (trừ thủy tinh y tế, bóng đèn, cường lực) đưa đến nhà máy tái chế thủy tinh để tái chế 100%. Việc sử dụng đồ thủy tinh cũ làm nguyên liệu sẽ giúp giảm sức nóng của máy ra môi trường, tiết kiệm nguyên liệu... Bên cạnh đó, vỏ hộp sữa cũng được các bạn trẻ thu gom và mang đi tái chế thành các vật dụng./.
Nguồn SGGP