Thời học phổ thông, tôi từng đọc Không gia đình của nhà văn người Pháp Hector Malot trong căn gác xép nhỏ tại căn nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê mà mỗi đứa trẻ đều ước muốn có bữa cơm thịt, cá mỗi ngày và mơ về lời hứa mẹ cho đi chơi phố huyện. Thủ đô Hà Nội chỉ là một nơi nào đó rất xa xôi.
Câu chuyện phiêu lưu trắc trở dài dằng dặc của Rémi là một nỗi buồn, cô đơn man mác đến vô tận. Ở một xã hội nhập nhằng trắng - đen, cậu bé đáng thương ấy phải trả cái giá quá đắt để có được những hơi ấm thật - giả của tình thân. Không gia đình là nỗi buồn, nỗi đau lớn nhất của con người. Những đứa trẻ ở quê nghèo như chúng tôi vẫn còn là những thiên thần được trao hạnh phúc và may mắn.
Dù là bất cứ ai trên trái đất rộng lớn này chắc hẳn đều dành một góc (có thể lớn, có thể nhỏ) trong trái tim mình cho “gia đình”. Có lẽ cũng vì một giá trị chung, thiêng liêng đó của nhân loại, ngày 20/9/1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế Gia đình. Ở nhiều nước, Ngày quốc tế Gia đình là nguồn cảm hứng khơi nguồn cho hàng loạt sự kiện nâng cao nhận thức về gia đình. Các chính sách lấy gia đình làm trọng tâm có thể đóng góp vào việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, bảo đảm sự khỏe mạnh và hạnh phúc cho mỗi người.
Dù vậy, những nỗ lực tập thể ấy ngày nay vẫn chưa thể bao trùm toàn diện. Ở một số khu vực trên thế giới, với nhiều người, giá trị gia đình vẫn là điều xa xỉ. Đầu năm nay, tại một cuộc họp, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk cho biết cuộc xung đột ở Dải Gaza đã khiến hơn 17.000 trẻ em bị mồ côi hoặc phải sống tách biệt với gia đình. Con số ấy hiện nay chưa dừng lại. Có những đứa trẻ thậm chí không còn đủ năng lượng để bật tiếng khóc theo bản năng. Sẽ có thêm bao nhiêu số phận như cậu bé Rémi – mảnh đời đi ra từ tiểu thuyết? Đó vẫn luôn là trăn trở, day dứt của các nhà lãnh đạo toàn cầu, các tổ chức mang sứ mệnh vì quyền con người trên thế giới.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng viết: “Cảm hứng của tôi được tạo ra từ tình yêu mà mỗi bậc cha mẹ dành cho con cái của mình. Nguồn cảm hứng đó tôi còn nhận được từ những đứa con của tôi, chúng làm trái tim tôi trở nên ấm áp và tràn ngập tình thương. Chúng làm tôi muốn làm việc để cải thiện thể giới dù chỉ là đôi chút. Hơn cả, những đứa con làm tôi trở thành một người tốt hơn”. Chẳng phải một học thuyết, cũng không phải một đức tin nhưng những giá trị thiêng liêng thuộc về gia đình có ý nghĩa vô cùng to lớn, quyết định hạnh phúc, định hình hướng đi và nhân cách mỗi người.
Ở Việt Nam, qua các thế hệ, gia đình được hình thành và phát triển với những chuẩn mực tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Từ khi nằm trong nôi, trẻ thơ Việt Nam đã “tắm đắm” những lời ca “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “quê hương là chùm khế ngọt”, “công cha như núi Thái Sơn”… để trên mỗi bước đường đời, hành trang của người con đất Việt mang theo là “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, là lòng nhân hậu, bao dung, sẻ chia, đùm bọc, là tình yêu gia đình, xóm làng, quê hương và Tổ quốc.
Giữa bộn bề cuộc sống hôm nay, những lời ca giản dị của bài hát “Đi về nhà” (Đen Vâu) chất chứa thật nhiều cảm xúc:
Đường về nhà là vào tim ta
Dẫu nắng mưa gần xa
Thất bát vang danh
Nhà vẫn luôn chờ ta
Đường về nhà là vào tim ta
Dẫu có muôn trùng qua
Vật đổi sao dời
Nhà vẫn luôn là nhà.
Theo Báo Quốc tế