Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng âm với mức giảm 30,4%, chỉ đạt 3,91 tỷ USD. Riêng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có sự sụt giảm trên 40%. Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu tới khu vực châu Mỹ giảm tới gần 43% trong quý I.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong ngắn hạn vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, bởi lạm phát vẫn còn ở mức cao, dẫn tới người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam.
Trong thời điểm khó khăn về tiêu thụ như vậy, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho rằng, dù được hỗ trợ 1 đồng cũng rất quý. Thường hết quý I, các doanh nghiệp sẽ phải lên dự toán các loại thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất… Với việc chưa phải đóng ngay các loại thuế sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn tiền để cho các hoạt động sản xuất hay trả lương cho công nhân…
Với nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp thì việc gia hạn các loại thuế này cũng không hỗ trợ được nhiều. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, sản xuất thủy sản đang có mức thuế thấp nên chính sách gia hạn nộp một số loại thuế doanh nghiệp cũng không có nhiều tác động.
Tương tự trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cũng đánh giá, doanh nghiệp không có lợi nhiều. Là doanh nghiệp nhỏ nên không thuê đất của nhà nước nên phần hưởng lợi về gia hạn thuế đất không có. Với sản xuất lúa gạo, thuế giá trị gia tăng đang 0%. Các loại thuế khác cũng không quá nhiều.
Là doanh nghiệp nhỏ sản xuất đồ gỗ, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam đánh giá, việc gia hạn các loại thuế cho doanh nghiệp là điều tốt. Nhưng cuối cùng doanh nghiệp cũng phải đóng chứ không phải được miễn, hay giảm. Do vậy, việc gia hạn này cũng không giúp đỡ được doanh nghiệp nhiều.
Ông Nguyễn Minh Nhật chia sẻ thêm, doanh nghiệp sẽ chỉ đỡ khó khăn được trong thời gian ngắn, khi vòng quay nguồn tiền bị nghẽn. Nhưng với việc được gia hạn này, đến khi doanh nghiệp phải nộp các loại thuế mà vẫn chưa tìm được nguồn tiền, vẫn khó khăn về nguồn vốn kinh doanh thì có khi lại lâm vào cảnh nợ chồng nợ.
Theo ông Nguyễn Minh Nhật, khi dịch COVID bùng phát, Chính phủ cũng đã có chính sách này. Nhưng khi đó, các doanh nghiệp vẫn còn sản xuất được hàng hóa, hàng hóa dù tiêu thụ chậm những vẫn tốt hơn hiện nay rất nhiều. Hiện việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ gần như bế tắc.
Với doanh nghiệp nhỏ trong ngành hiện nay hầu như đóng cửa. Những doanh nghiệp lớn, có khả năng tài chính tốt vẫn đang cố gắng bám trụ, duy trì sản xuất phần nào để tạo việc làm cho người lao động.
Như doanh nghiệp của ông Nhật, dù doanh nghiệp nhỏ nhưng ông đã đi vào sản phẩm cao cấp, vẫn có các đơn đặt hàng để duy trì được sản xuất. Tuy có đơn hàng lại không có lợi nhuận. Vì hàng gấp, chi phí cao, mà giá lại thấp. Đặc biệt khi sản xuất hàng cao cấp, tiêu chuẩn hàng ngày càng cao nên số lượng hàng được khách hàng chấp thuận ngày càng ít đi. Như vậy, với sản phẩm bị loại đã “ăn” vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong lúc khó khăn, doanh nghiệp đôi khi càng phải giảm giá để có được những đơn hàng, nên dù có đơn hàng thời gian này nhưng doanh nghiệp cũng không có lợi nhuận, ông Nhật chia sẻ.
Theo ông Nhật, Chính phủ cần giảm thuế cho doanh nghiệp chứ không chỉ gia hạn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần làm thế nào để kích thích thị trường tiêu dùng nội địa.
Ông Nguyễn Minh Nhật hiến kế, Chính phủ có thể xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân bằng cách khuyến khích người tiêu dùng mua hàng và được khấu trừ trực tiếp trong thuế thu nhập cá nhân. Khi đó, người tiêu dùng có thu nhập cao sẽ đi mua hàng và sẽ kích thích được người tiêu dùng.
Với việc Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét giảm 2% thuế VAT cũng sẽ giúp kích thích người tiêu dùng. Tuy nhiên theo ông Nhật, việc giảm thuế này sẽ không hiệu quả bằng cách khấu trừ trực tiếp vào thuế thu nhập cá nhân.
Bởi, hiện người giàu có mới có khả năng mua hàng nhiều và lớn. Vì khi đa số người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng thì việc giảm 2% cho tất cả mọi người tiêu dùng thì con số này chưa đủ kích thích được lớp tiêu dùng này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hỗ trợ cấp thiết lúc này lại là những doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, đồ gỗ… Đây là doanh nghiệp đang bế tắc do không có thị trường. Do đó, chính sách ưu đãi thuế có thể hướng vào các sản phẩm mà lĩnh vực đang cần hỗ trợ.
Ghi nhận những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ Chính phủ, các bộ, ngành như ngân hàng cũng luôn tìm cách giảm lãi suất cho vay… nhưng ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cũng bày tỏ sự thất vọng với cơ quan bảo hiểm xã hội. Với rất nhiều kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng nhưng đơn vị này vẫn chưa có động thái đồng hành, vào cuộc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp tạo được việc làm, người lao động có đi làm thì mới có thể đóng được bảo hiểm xã hội. Đơn vị cần có sự chia sẻ với người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông Lê Minh Thiện kiến nghị.
Nguồn TTXVN