Đồng hành với doanh nghiệp
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua Sở đã tham mưu, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng xuất, nhập khẩu. Tiêu biểu như kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các FTA, thông tin tình hình thị trường, các kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, hiện nay Hà Nội có khoảng 2.600 doanh nghiệp xuất khẩu và khoảng 7.900 doanh nghiệp nhập khẩu từ các nước ký kết FTA. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội sang các thị trường FTA trong năm 2022 ước đạt khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội sang các nước gồm: Cơ kim khí, dệt may, da giày...
Bộ Công Thương nhận định, thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã triển khai và tận dụng khá hiệu quả các FTA, góp phần đa dạng hóa thị trường và tăng trưởng xuất, nhập khẩu, giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Điều này được thể hiện qua việc các địa phương sớm ban hành kế hoạch và tích cực thực thi các FTA.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau hơn 8 tháng kể từ khi có hiệu lực, các tỉnh, thành phố mới có kế hoạch thực hiện. Song đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), thời gian này chỉ khoảng 4 tháng và đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chỉ khoảng 2 tháng. Nhiều địa phương đã đưa ra các hoạt động hỗ trợ chi tiết đối với từng mặt hàng, từng lĩnh vực. Bởi vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu gia tăng đáng kể. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu hai chữ số so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Cần những giải pháp mạnh mẽ và đột phá hơn nữa
Tuy bước đầu đã tận dụng tốt các FTA, song theo các chuyên gia kinh tế, dư địa để khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do còn rất lớn. Theo Sở Công Thương Hà Nội, số lượng doanh nghiệp của Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước ký kết FTA còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng, đồng thời số doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA chưa nhiều. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường có FTA. Đây cũng là thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố.
Lý giải nguyên nhân, Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Phạm Ngọc Thạch chỉ rõ, còn cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp với khả năng đáp ứng hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, các địa phương. Mặt khác, những biện pháp hỗ trợ như đào tạo, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại hay hỗ trợ chính sách... vẫn áp dụng chung cho tất cả các ngành mà chưa đi sâu cụ thể vào ngành nghề, mặt hàng và lĩnh vực chiến lược cần tận dụng các FTA.
"Từ kết quả điều tra, khảo sát, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp mong muốn các cơ quan nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập một cách hiệu quả hơn nữa, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của họ", ông Phạm Ngọc Thạch chia sẻ. Theo đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời cần những giải pháp mạnh mẽ và đột phá hơn nữa để gia tăng lợi ích mà các hiệp định này mang lại.
Còn theo ông Ngô Chung Khanh, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, chưa thể hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, tất cả những sản phẩm, cần tập trung hỗ trợ cho một vài mặt hàng chiến lược, thế mạnh để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Trong thời gian tới, việc triển khai các FTA sẽ bước vào giai đoạn thực thi những cam kết mạnh mẽ hơn, do đó rất cần những đổi mới trong cách thức hỗ trợ để doanh nghiệp có thể yên tâm mở rộng thị trường. Cần hình thành hệ sinh thái kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hằng năm của các địa phương (FTA Index), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai. Bộ chỉ số FTA Index sẽ giúp các tỉnh, thành phố thay đổi tư duy và cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng các FTA.
Theo Hanoimoi.com.vn