1. Lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác chứa đựng tinh thần nhân văn nhân đạo – một trong những giá trị rất quan trọng mà sau này C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin kế thừa. Đó là Tomát Morơ – một người đã lên đến vị trí huân tước tể tướng – sẵn sàng hi sinh không chỉ sự nghiệp chính trị mà còn cả tính mạng của mình vì hạnh phúc của quần chúng nhân dân. Đó là Grắccơ Babớp – người khi bị xử tử sau cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản để “đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Đó là Xanh Ximông, Sáclơ Phuriê, Rôbớt Ôoen – những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đầu thế kỷ XIX. Nhưng những tư tưởng trên chỉ coi quần chúng nhân dân lao động là những kẻ yếu thế “nhỏ bé và ở dưới đáy của xã hội” đáng thương và cần được bảo vệ mà không nhìn ra được sức mạnh to lớn của quần chúng. Vì thế, mặc dù nhận ra được hạn chế, khiếm khuyết của xã hội đương thời nhưng họ không tìm ra được con đường để đi đến một xã hội tốt đẹp hơn. Thay vào đó, họ trông chờ vào sự thay đổi của “tầng lớp bên trên”, cùa giai cấp tư sản, tầng lớp quý tộc với những biện pháp mang tính chất cải lương – những điều không tưởng. Vì vậy, họ không thể giúp người lao động thay đổi được địa vị “bị trị” mà chỉ chỉ giúp cải thiện được phần nào cuộc sống của mình.
Trước đó, trong thời kỳ Phục hưng văn hóa - bước chuyển từ thời kỳ phong kiến lên chủ nghĩa tư bản, và tiếp đó là thời kỳ Cận đại thế kỷ XVIII, chủ nghĩa nhân văn phát triển đặc biệt mạnh mẽ ở phương Tây, với các nhà tư tưởng Khai sáng tiêu biểu như Vônte, Điđơrô, Rútxô. Chủ nghĩa nhân văn tin tưởng vào sự hoàn thiện của bản chất con người, tình cảm và trách nhiệm đạo đức, và khả năng của tiến bộ xã hội, ca ngợi các giá trị tự do, bình đẳng, khoan dung, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa toàn cầu, đề cao sự thống trị của trí tuệ con người, muốn áp dụng nó vào trong những cải cách chính trị - xã hội, khuyến khích sự sáng tạo và chủ động của cá nhân. Tuy nhiên, đây là chủ nghĩa nhân văn của giai cấp tư sản, hướng mục tiêu giải phóng con người nói chung vào phục vụ cho lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản. Do đó những khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” chỉ mang tính hình thức mà không giải quyết thực sự vấn đề bất bình đẳng, bóc lột của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản lúc đó. Chủ nghĩa nhân văn này vẫn không triệt để, không tưởng, siêu hình, trừu tượng.
2. Với sự ra đời của chủ nghĩa Mác vào giữa những năm 40 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa nhân văn đã phát triển lên một bước mới, đó là chủ nghĩa nhân văn triệt để, thống nhất với tính cách mạng và tính khoa học.
Trước hết, chủ nghĩa nhân văn ở C.Mác cũng xuất phát từ tình thương yêu và cảm thông vô bờ của ông trước nỗi thống khổ của đông đảo quần chúng lao động bị áp bức, bóc lột. Song, khác với các học thuyết không tưởng nêu trên, với hai phát hiện khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa. C. Mác đã khắc phục được một trong những hạn chế của các nhà không tưởng, đó là tìm ra được lực lượng để thực hiện cuộc cách mạng xã hội – giai cấp công nhân và đề ra được biện pháp, cách thức để đi đến xã hội mới. Sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản chỉ có thể do chính giai cấp vô sản mà thôi, gắn với ý chí cách mạng, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công. Đây là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Khác hoàn toàn về chất so với các xã hội trước kia -vốn chỉ là sự thay thế giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác, chủ nghĩa xã hội là một xã hội không còn áp bức, bóc lột bất công, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848), khi chứng minh sự tất yếu phải diệt vong của chủ nghĩa tư bản và khẳng định “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh rằng, điều đó sẽ không tự động diễn ra. Vai trò kẻ đào huyệt chôn chế độ tư bản đã trở nên lỗi thời đó sẽ phải do một giai cấp nhất định thực hiện - giai cấp vô sản, giai cấp do chính xã hội tư bản sản sinh ra. Việc lật đổ giai cấp tư sản với tư cách một giai cấp thống trị đã hết vai trò lịch sử chỉ có thể thành công bởi một cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt - cuộc cách mạng vô sản do chính giai cấp vô sản cách mạng và chính đảng của nó thực hiện.
Với tư cách là “sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”, giai cấp vô sản không chỉ trở thành “giai cấp đang nắm tương lai trong tay”, mà còn là “giai cấp thực sự cách mạng” nhất và chính nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đưa họ lên địa vị đó, lên vũ đài lịch sử với tư cách lực lượng cách mạng hùng hậu và không điều hòa với toàn bộ chế độ lao động làm thuê. Song, giai cấp vô sản tiến hành cách mạng nhằm lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản không chỉ để tự giải phóng mình mà còn giải phóng toàn thể nhân loại cần lao vĩnh viễn thoát khỏi mọi ách áp bức, bóc lột – một sứ mệnh cao cả mang đậm tính nhân văn cộng sản chủ nghĩa. V.I Lênin đã từng nhấn mạnh rằng, điểm cốt yếu của học thuyết Mác là soi sáng vai trò lịch sử của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản.
Cùng với việc xác định lực lượng tiến hành cách mạng, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lênin còn nêu lên các biện pháp, lộ trình, cách thức, động lực để có thể xây dựng xã hội mới trên cơ sở khoa học. Trước hết, giai cấp vô sản cần phải có phương pháp cách mạng đúng đắn và thực thi những giải pháp tình thế một cách hợp lý, đúng đắn để “giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”. Từ đó, giai cấp công nhân dùng sự thống trị của mình tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước để tổ chức xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.
C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lênin chỉ ra một loạt biện pháp để xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa như: xác định rõ thực chất, nội dung, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; không ngừng mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với xây dựng và hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa, dựa trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; kế thừa những giá trị quý báu trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa và của nhân loại; kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Chủ nghĩa Mác – Lênin là kim chỉ nam dẫn đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đấu tranh cách mạng, giành chính quyền và xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, việc vận dụng những biện pháp này cũng phải phù hợp với điều kiện của từng quốc gia, dân tộc với bối cảnh lịch sử cụ thể, tránh rập khuôn máy móc, giáo điều, tránh biến học thuyết Mác trở thành một thứ Kinh thánh. Điều này cũng thể hiện tính khoa học và cách mạng của học thuyết Mác – Lênin.
Ngày nay, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, thế giới có nhiều đổi thay, bản thân các nước tư bản cũng có sự điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới, nhưng bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi. Giai cấp công nhân, người lao động mặc dù được đề cao vai trỏ, được cải thiện đời sống trên nhiều mặt nhưng xét về địa vị, họ vẫn là những người lao động làm thuê, làm gia tăng giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Bản chất áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản hiện đại không hề thay đổi. Những mâu thuẫn vốn có của xã hội tư bản chủ nghĩa, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất và chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên sâu sắc. Những hạn chế, khuyết tật ốn có của chủ nghĩa tư bản như ô nhiễm môi trường, xung đột, khủng bố, bạo lực và bất ổn xã hội, khủng hoảng kinh tế, bất bình đẳng xã hội,... vẫn diễn ra hết sức gay gắt và phức tạp. Theo sự vận động của quy luật xã hội, xu hướng diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản vẫn là vấn đề thời sự của không chỉ thời Mác sống mà ngay cả tới tận ngày nay.
Có thể nói giá trị lớn lao nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là đã đem đến cho con người những điều mà họ luôn mơ ước, khao khát trong cuộc sống. Học thuyết Mác đã trả lời cho câu hỏi: Làm sao để loại bỏ bất công trong xã hội, đem lại tự do và hạnh phúc cho con người? Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội…. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội…”.
Nhờ có sự thống nhất giữa tính nhân văn, tính cách mạng và tính khoa học, chủ nghĩa Mác đã trở thành một học thuyết hoàn bị và có sức sống lâu dài trong sự phát triển tư tưởng nhân loại gần hai thế kỷ qua và trong những năm sắp tới. Sự thống nhất đó thể hiện tập trung trong lý tưởng cộng sản chủ nghĩa - lý tưởng về một xã hội tốt đẹp nơi con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, được tự do, phát triển toàn diện. Đó chính là tinh thần nhân văn cao nhất, một trong những giá trị vĩ đại nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin./.
H.H