Khi thế giới thanh bình và yên ả, với mỗi con người trưởng thành, hạnh phúc là có gia đình, có con cái, được làm công việc phù hợp với khả năng của mình và được hưởng thụ xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Đó là loại hạnh phúc giản dị nhất đối với hàng trăm triệu người.
Còn đối với những nguời có khát vọng, có hoài bão lớn thì hạnh phúc có thể ở mức cao hơn; đó là luôn luôn trăn trở, tìm tòi để làm được nhiều việc tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn cho xã hội…
Đây chính là động lực thúc đẩy những con người xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, sản xuất kinh doanh; những động lực này biến họ thành những con người lao động sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá trong công nghệ để họ trở nên giàu có. Song, khi họ giàu có rồi thì họ lại mang tài sản của mình để làm từ thiện, để giúp những người nghèo đói có công ăn, việc làm; có nhà ở, có điều kiện học hành.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, cả thế giới vẫn đang lo lắng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Quan trọng hơn với tất cả mọi người, hạnh phúc là được sẻ chia những niềm vui và nỗi buồn; được quan tâm, được yêu thương, được chăm sóc những người thân yêu; được sống chan hòa, nhân ái trong cộng đồng rộng lớn. Chính vì thế, thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” là thông điệp xuyên suốt năm tháng từ khi thế giới có Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Đáng tiếc ở chỗ, năm nay có chút đặc biệt hơn khi ngày này, cả thế giới ai nấy đều mang trong mình nỗi buồn nặng trĩu khi dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn chưa dứt…
Hẳn ai cũng thấy, thực tế từ đại dịch đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm. Thất nghiệp gia tăng, số người không có việc làm, thu nhập giảm dẫn đến sự gia tăng các tệ nạn xã hội. Đây là thách thức rất lớn không chỉ của riêng Việt Nam mà là khó khăn thách thức của thế giới nói chung trước đại dịch.
Bên cạnh đó, ngày Quốc tế Hạnh phúc năm này còn được đón nhận bằng chiến sự giữa Nga và Ukraine. Chiến sự giữa 2 quốc gia này đã phải trả giá bằng những sinh mạng của quân - nhân dân hai nước, bằng những cơ sở vận chất hạ tầng, thiệt hại kinh tế….
Hãy nghĩ xem, một đất nước chìm trong hỗn loạn, khi các cuộc biểu tình giao tranh này ở UKraine kết thúc thì hậu quả ghê gớm của nó ai sẽ chịu? Dĩ nhiên luôn là người dân: Người chết đầy đường, lửa cháy khắp nơi, thức ăn khan hiếm, nhà cửa xe cộ bị phá hủy, kinh tế tuột dốc, mâu thuẫn dân tộc sẽ dâng cao và chỉ còn lại sự thù hằn, chia rẽ như những ngọn lửa âm ỉ có thể bùng lên cháy bất kỳ lúc nào...
Rõ ràng, biểu tình bạo loạn chiến tranh không đem lại lợi ích gì cho đất nước mà chỉ làm cho cuộc sống người dân thêm khốn khổ. Người yêu nước thực sự, không một ai muốn đất nước mình chìm trong bạo động và các nhà lãnh đạo giỏi sẽ luôn tìm cách tránh không để xảy ra bạo động, tránh những cuộc tắm máu làm nguy hại, ảnh hưởng đến kinh tế chính trị đất nước.
Nhìn về Việt Nam, đất nước Việt Nam đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh ác liệt, nhân dân chìm trong lầm than, đau khổ và chia rẽ để cho các nước lớn hưởng lợi. Phải mất mát và hy sinh rất nhiều, đất nước mới hòa bình, thống nhất, người dân sống trong yên bình, kinh tế đang trên đà tăng tốc, đó là những điều rất đáng quý.
Còn nhớ, trong phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận vào năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử”.
Việt kiều Ukraine vỡ oà cảm xúc khi đoàn tụ với người thân tại Việt Nam. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Và tại Hội nghị toàn quốc công tác dân vận, ngày 27/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nêu ra những đúc kết hết sức sâu sắc từ Nguyễn Trãi về nội dung này: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào ngược lòng dân thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại”.
Thực tế, không một đất nước nào sống chung với bạo động, bạo loạn, đói nghèo mà người dân lại có hạnh phúc cả. Và những người đứng đầu đất nước của chúng ta đã và đang rất nỗ lực để đưa cuộc sống trở về với quỹ đạo “bình thường mới” bằng những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, hợp lý.
Có thể nói, ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay diễn ra vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19. Những mất mát, ảnh tưởng từ đại dịch và xung đột chiến sự tại Ukraine… Trong thời khắc khó khăn này, chúng ta hãy cùng nhau hành động để lan tỏa hạnh phúc tới tất cả mọi người.
Hạnh phúc không chỉ đến vào ngày Ngày Quốc tế Hạnh phúc mà chúng ta còn có thể nỗ lực để tự biến cuộc sống của mình được hưởng trọn vẹn 365 ngày hạnh phúc trong năm.
Mọi người bảo nhau hãy cảm nhận hạnh phúc theo cách riêng của mình, nhìn nhận cuộc sống theo cách lạc quan nhất có thể và tận hưởng mọi hương vị của Hạnh phúc đích thực./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp