Xung đột địa chính trị leo thang đẩy giá dầu tăng
Dữ liệu phân tích của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, nếu tính từ đầu tháng 1/2024 đến nay, giá xăng, dầu thế giới biến động khá bất ngờ theo cả hai chiều tăng và giảm, có những tuần tăng cao, nhưng cũng có tuần rơi rất sâu.
Tuy nhiên, xét xu hướng chung, giá có chiều hướng đi lên. Hiện nay giá dầu thế giới cũng cao hơn so với thời điểm cuối năm 2022.
Tính trung bình 2 tháng đầu năm 2024, giá dầu thế giới nhỉnh hơn khoảng 5% so với tháng 12/2023, ghi nhận 2 tuần giảm, có tuần còn giảm mạnh tới hơn 7%, nhưng lại có tới 6 tuần tăng giá. Thậm chí, có thời điểm giá dầu WTI tiến sát mốc 80 USD/thùng, trong khi dầu Brent cũng sát mốc 85 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối tháng 11/2023.
Tính đến ngày 22/2, giá dầu WTI đang được giao dịch quanh mức xấp xỉ 78 USD/thùng sau hai tuần tăng liên tiếp; giá dầu Brent được giao dịch trên 83 USD/thùng.
Diễn biến đồng pha, giá xăng trong nước cũng có chiều hướng đi lên trong 2 tháng đầu năm và đúng như MXV đã từng dự báo là giá có xu hướng nhỉnh hơn mức nền tháng 12/2023. Có thời điểm, giá xăng trong nước đã cán mốc cao nhất kể từ đầu tháng 10/2023, khi vượt trên 24.000 đồng/lít đối với xăng Ron 95.
Tính tới ngày 22/2, với 5 lần điều chỉnh tăng và 3 lần điều chỉnh giảm, hiện giá xăng Ron 95 cũng đang tiến sát mốc 24.000 đồng/lít.
Lý giải nguyên nhân giá xăng có chiều hướng đi lên, Phó Tổng Giám đốc MXV Nguyễn Đức Dũng cho rằng bất ổn địa chính trị gia tăng tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn nguồn cung vẫn là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu thế giới trong giai đoạn vừa qua.
Ở khu vực Trung Đông, Hamas và Israel vẫn chưa thể đi đến thống nhất một thỏa thuận ngừng bắn. Căng thẳng còn leo thang khi TP miền Nam dải Gaza là Rafah đứng trước nguy cơ hứng chịu một chiến dịch đổ bộ lớn từ phía Israel. Mối đe dọa tại Biển Đỏ vẫn còn hiện hữu với các tàu vận chuyển khiến các chuyến hàng mất nhiều thời gian di chuyển hơn.
Ở khu vực Đông Âu, xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã gây gián đoạn nhất định tới một số nhà máy lọc dầu. Giá năng lượng vốn dĩ rất nhạy cảm với các rủi ro địa chính trị nên những tác động đồng thời này đã cùng nhau thúc đẩy giá dầu phục hồi.
Diễn biến khó lường
Các chuyên gia nhận định, có nhiều yếu tố tác động lên diễn biến giá dầu trong năm 2024. Trong đó, căng thẳng chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiêu thụ ít đi có thể khiến giá chững hoặc đi xuống. Cho tới thời điểm này, hầu hết các tổ chức lớn đều bi quan về nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024. Chịu sức ép từ bài toán này, dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu thô cũng chậm lại, xuống mức 1,4 triệu thùng dầu/ngày.
Theo phân tích của chuyên gia MXV, kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng nhu cầu yếu, OPEC+ sẽ duy trì chính sách sản lượng thấp hoặc thậm chí sẽ cắt giảm thêm để hỗ trợ giá dầu. Tại cuộc họp vào cuối tháng 11/2023, nhóm đã quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày.
Theo đó, quý I/2024, thị trường sẽ thâm hụt từ 500.000 - 800.000 thùng dầu/ngày. Với kịch bản trung tính này, giá dầu WTI có thể đạt trung bình khoảng 80 USD/thùng và dầu Brent khoảng 85 USD/thùng. Năm 2024, ẩn số khó lường nhất tác động tới xu hướng giá dầu sẽ là rủi ro địa chính trị. Xung đột giữa Israel - Palestine dự kiến sẽ còn gây gián đoạn vận chuyển tại khu vực Biển Đỏ.
Kịch bản thứ hai (kịch bản xấu nhất), nếu căng thẳng mở rộng ra khu vực Trung Đông hoặc kéo theo sự tham gia của Mỹ hay Iran thì các huyết mạch dòng chảy dầu mỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong đó có các eo biển quan trọng chiến lược bao gồm eo biển Hormuz với quyền kiểm soát của Iran và eo biển Bad Al-mandab dưới sự ảnh hưởng của phiến quân Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn.
Nếu xung đột làm gián đoạn nghiêm trọng, khả năng giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra.
Dự báo gần về giá xăng, dầu thế giới trong tháng 3/2024 (tháng cuối quý I/2024), ông Nguyễn Đức Dũng nhận định, giá xăng, dầu thế giới sẽ còn diễn biến khó lường. Nhất là tại vùng Trung Đông, vốn quy tụ rất nhiều nhà xuất khẩu và con đường xuất khẩu xăng, dầu quan trọng hàng đầu trên thế giới.
Tác động lớn nhất có lẽ vẫn đến từ việc liệu xung đột có chiều hướng gia tăng hay không. Nếu thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa đi đến thống nhất, tình hình căng thẳng tiếp tục kéo dài thì giá dầu thế giới sẽ còn xu hướng tăng cao hơn nữa trong cuối quý I này. Dự báo giá dầu thế giới có thể sẽ ở quanh mức 75 - 85 USD/thùng; nhưng nếu căng thẳng có tính chất lan rộng, thì thị trường nên cẩn trọng với việc giá dầu leo lên trên mức 90 USD/thùng.
Giá xăng, dầu trong nước sẽ tăng nhẹ
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần tiếp tục đánh giá chính sách sản lượng của OPEC+. Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong quý I/2024, thị trường dầu thâm hụt khoảng 800.000 thùng/ngày. Nên nếu OPEC+ duy trì chính sách hạn chế xuất thì có lẽ giá dầu Brent vẫn còn quanh mức 80 USD/thùng trong quý này.
“Giá xăng, dầu trong nước cũng sẽ cùng chiều với biến động quốc tế. Tôi dự báo giai đoạn cuối quý I, giá xăng trong nước vẫn có các đợt điều chỉnh tăng giảm xen kẽ, nhưng nhiều khả năng cao hơn mức trung bình cuối năm 2023. Trong bối cảnh này, các DN, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến từ thị trường quốc tế” - TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Đánh giá về diễn biến giá dầu thế giới ảnh hưởng tới giá xăng, dầu trong nước, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định: Việt Nam là quốc gia nhập khẩu xăng, dầu, xu hướng giá xăng dầu trong nước năm 2024 sẽ bám sát với những biến động giá trên thế giới.
Theo đó, giá xăng, dầu nội địa nhích nhẹ vào đầu năm 2024, khi tác động cắt giảm sản lượng của OPEC+ và căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng tới giá toàn cầu. Tuy nhiên, xét tổng thể cả năm 2024, cung cầu sẽ tương đối cân bằng, giá dầu sẽ tiếp tục ổn định và có thể tương đương với mức trung bình của năm 2023 vừa qua.
Hơn nữa, năm 2024 sẽ ít khả năng giá xăng, dầu trong nước tăng vọt bất thường như năm 2022. Về yếu tố thế giới, phần lớn là do rào cản từ sức ép tăng trưởng toàn cầu, ít nhất là khoảng nửa đầu năm. Cuối năm 2024, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới nên nước này cũng sẽ tìm mọi cách để kiềm chế giá tăng nóng.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu trong tháng 3/2024. Thủ tướng giao Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng, dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát.
Còn về yếu tố trong nước, việc Chính phủ ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó rút ngắn thời gian điều hành giá xăng, dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, sẽ giúp giá xăng, dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong dài hạn, đây chính là giải pháp hữu hiệu để giúp ổn định cung cầu và giá xăng, dầu trong nước.
Theo Kinh tế và Đô thị