Hoàn thiện chính sách
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh trong dự thảo là phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh...
Góp ý cho nội dung trên, PGS.TS Phạm Trung Lương nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, chiến lược đề ra là phù hợp với xu hướng phát triển thực tế. Tuy nhiên, trên tinh thần hành động, ông kỳ vọng chiến lược vừa mang tầm vóc vĩ mô nhưng đồng thời cũng phải rất cụ thể. Cụ thể ở đây là kế hoạch, mục tiêu cho từng giai đoạn và hướng tới mục tiêu chung cho giai đoạn cả 5 năm.
Theo đó, để cụ thể hóa được chiến lược hành động cũng như kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 5 năm, việc trước hết là phải xác định rõ việc gì cần làm ngay, việc gì cần làm trước nhằm phục vụ yêu cầu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đã được đề cập tại các nghị quyết trước đó.
Lấy ví dụ với ngành du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng trọng tâm cần phải thực hiện ngay và trước tiên là cần có tổng kết, đánh giá toàn bộ kết quả quá trình thực hiện Nghị quyết 08 đã đạt được là gì? Du lịch Việt Nam đang ở chặng đường nào? Cái gì đang cản trở du lịch Việt Nam phát triển.
"Trên cơ sở những đánh giá đó sẽ giúp nhìn nhận được bài toán tổng thể cho ngành du lịch", PGS.TS Phạm Trung Lương nói.
Đi xa hơn, vị chuyên gia cho rằng, kế hoạch năm năm 2021-2025 phải gắn liền với cả kế hoạch của giai đoạn sau 5 năm đó. Tất cả đều phải được nêu rất rõ.
Đội nghệ thuật trống hội (Học viện Cảnh sát nhân dân) tập luyện phục vụ nghệ thuật chào mừng Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: internet
Đồng quan điểm, ông Hồ Thanh Bình - nguyên Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa là phù hợp nhưng cũng không nên quá tham vọng, thay vào đó, cần cụ thể hóa từng giai đoạn. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy mặt tích cực, mặt tốt thì còn cần phải đặt ra vấn đề khai thác và phát triển nó.
Do đó, việc đầu tiên cần phải làm là khắc họa được thế mạnh cụ thể của văn hóa Việt Nam trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa là gì? Chúng ta phải chỉ ra được điểm khác biệt, đặc trưng, đặc sắc nhất của nền văn hóa Việt Nam rồi từ đó mới có chiến lược khai thác, phát huy thế mạnh đó.
"Thế mạnh, đặc sắc, đặc trưng đó phải có đủ kháng thể, đủ sức mạnh, đủ sự khác biệt để vừa có thể đem đến sự thu hút, lôi cuốn, không bị méo mó, biến tướng nhưng cũng vừa chắc chắn "không bị hòa tan" khi tham gia hội nhập với các nền văn hóa quốc tế", ông Bình chỉ rõ.
Tiếp theo, phải xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu đó mang tầm quốc tế.
Ví dụ, nói đến phim ảnh, quốc tế nhắc đến Mỹ. Nói tới du lịch, quốc tế biết tới Ấn Độ, Thái Lan, Singapore... Vậy khi nói tới những lĩnh vực cụ thể như vậy của văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ có gì?
Ông Bình cho hay, khi nói tới văn hóa là phải bao gồm có người, có sự kiện, có thực hành, thực hiện cụ thể, do đó, muốn xây dựng được thương hiệu văn hóa thì cần phải có hành động rất cụ thể.
"Văn hóa của một dân tộc có ở tất cả mọi khía cạnh từ du lịch, phim ảnh, cho tới các hoạt động thể thao, sản xuất... những giá trị từ văn hóa là rất lớn, không phải chỉ ở việc văn hóa sẽ mang lại bao nhiêu tiền mà nó sẽ mang lại những giá trị cả về vật chất và tinh thần", ông Bình lưu ý.
Bài học Hàn Quốc
Nhìn một cách tổng thể, PGS.TS Phạm Trung Lương thẳng thắn, phát triển công nghiệp văn hóa là chủ trương được đề cập từ nhiều năm trước, tuy nhiên, tới tận thời điểm này, để bàn về công nghiệp văn hóa vẫn còn hơi sớm. Chúng ta cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng mọi điều kiện làm bước đệm cho tiến trình trên.
"Quan điểm xã hội về công nghiệp văn hóa của chúng ta vẫn còn mông lung, mơ hồ. Đó vẫn chỉ là các chương trình vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu tinh thần chung, chưa phải một ngành tạo ra tiền. Trong khi đó, ở các nước khi công nghiệp phát triển thì ngành văn hóa chính là một lĩnh vực tiếp cận tốt, tạo ra tiềm lực cho phát triển kinh tế.
Ví dụ như Hàn Quốc. Tại quốc gia này, văn hóa không chỉ là một ngành giải trí mà là một lĩnh vực chiến lược nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến với Hàn Quốc đông hơn, giúp Hàn Quốc có cơ hội mở rộng ngành thương mại, mua sắm, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhất là thu hút những đối tượng trẻ tuổi, đối tượng có nhu cầu mua sắm rất cao. Như vậy, chỉ qua lĩnh vực này cũng có thể nhìn thấy rõ chiến lược phát triển ngành văn hóa trở thành một ngành công nghiệp, kinh tế mũi nhọn với mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể của Hàn Quốc và họ đã thành công.
Trong trường hợp này, ngành văn hóa của Hàn Quốc chính là động lực giúp ngành kinh tế tạo ra tiền.
Hay trong lĩnh vực điện ảnh của Mỹ hay Hàn Quốc, ngay trong các bộ phim trình chiếu luôn được tính toán để lồng ghép, quảng bá những điểm nhấn, những hình ảnh, những địa danh nổi tiếng của đất nước họ, thông qua sức hút của bộ phim để thu hút khách du lịch tới tham quan, mua sắm...", vị chuyên gia chỉ rõ.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia nhấn mạnh điểm quan trọng trong chiến lược lần này là phải làm thay đổi được tư duy, nhận thức của xã hội, để cả xã hội không chỉ nhìn ngành văn hóa theo một khía cạnh vui chơi, giải trí đơn thuần nữa, đó còn là một ngành kinh tế, có khả năng tạo ra những động lực thúc đẩy ngành kinh tế phát triển.
"Vấn đề của văn hóa Việt Nam hiện nay là quá thiếu những sản phẩm trải nghiệm để qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội với ngành văn hóa", PGS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Một điểm nữa khiến ông Lương khá băn khoăn, đó là mục tiêu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa phải đóng góp 7% GDP, vị chuyên gia cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc hay Anh, Mỹ.
Ông lấy ví dụ, ở nhiều nước, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành trụ cột trong phát triển kinh tế của đất nước. Đơn cử như các ngành công nghiệp văn hóa ở Anh đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 - 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. 85% thu nhập quốc dân của Hồng Kông (Trung Quốc) có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình. Hàn Quốc, điện ảnh phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng tới toàn cầu nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc...
"Việt Nam cũng có thể làm được như vậy, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc đặt ra con số đóng góp đạt 7% GDP thì chưa đủ cơ sở", vị chuyên gia thẳng thắn./.
Theo Đất Việt