“Có điện thoại thông minh cũng mấy tháng rồi, nhưng mẹ tôi ở quê vẫn chỉ dùng cho việc gọi điện bình thường. Có lúc, vì màn hình cảm ứng nên mẹ tôi còn bấm phím sai”. Đây là lời chia sẻ của một người bạn tôi nhân câu chuyện xây dựng nông thôn thông minh.
Một người chưa thông thạo điện thoại thông minh, chưa quen các nền tảng, ứng dụng, chưa thể truy cập internet là chuyện nhỏ. Nhưng nhiều người, thậm chí rất nhiều người như thế sẽ cản trở sự lan tỏa công nghệ số đến toàn bộ cộng đồng.
Ứng dụng hệ thống nước tưới tiết kiệm giúp giảm công lao động, tăng hệ số sử dụng đất. Ảnh tư liệu.
Ngày 6.10 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Một trong những mục tiêu của chương trình là triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, gồm xây dựng thí điểm xã/thôn nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội và xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực ở địa phương. Hiểu đơn giản, những mô hình trên hướng tới thí điểm xây dựng “thôn làng thông minh”, là một cộng đồng xóm, thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ số, tận dụng các thế mạnh đặc thù địa phương để cải thiện điều kiện sống của cư dân.
Muốn sử dụng nền tảng số trước hết phải nắm vững những kiến thức cơ bản về công nghệ, về lợi ích mang lại trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh. Không thể phủ nhận nhiều tấm gương nông dân phát triển kinh tế giỏi nhờ công nghệ. Song khi nhìn tổng thể, số này còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Do đó, muốn xây dựng thôn làng thông minh, trước hết cần xây dựng đội ngũ nông dân thông minh. Hải Dương hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do người trẻ làm chủ. Các mô hình tự động hóa quy trình sản xuất, ứng dụng mạnh mẽ các kênh thương mại điện tử trong kinh doanh. Nhưng để thu hút, hình thành rộng khắp đội ngũ nông dân thời đại số này cần chính sách và môi trường thuận lợi.
Có người đặt câu hỏi, vậy vai trò của những tổ công nghệ số cộng đồng thế nào trong việc hướng dẫn, giúp đỡ nông dân ứng dụng công nghệ số? Đúng là gần 7.000 thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh đã và đang được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Song để đưa những kiến thức đó hướng dẫn bà con không thể trong ngày một ngày hai. Cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Vừa đẩy nhanh quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tổ công nghệ số này, vừa hình thành nguồn nhân lực nông thôn kế cận cho tương lai.
Dù thế nào đi nữa, khoảng cách công nghệ giữa thành thị với nông thôn vẫn cần thu hẹp càng sớm càng tốt. Tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) thông minh cần nền tảng hạ tầng thông minh. Nói đơn giản, không thể đầu tư một vườn rau tưới tiêu tự động điều khiển từ xa trong khi đường truyền internet phập phù.
Chúng ta từng nhắc đến câu chuyện “dọn tổ đón đại bàng” trong thu hút FDI. Với nông thôn thông minh, có lẽ cũng cần cách tiếp cận tương tự. Có thể nói những nông dân trung tuổi sẽ sẵn sàng nhường bước cho lớp trẻ có trình độ. Bởi tất cả vì mục tiêu chung, đó là nâng cao giá trị gia tăng trong từng mảnh ruộng, vườn rau, ao cá. Vấn đề là người trẻ có trình độ sẽ chọn nông thôn hay thành thị.
Nhìn rộng hơn, khi hình thành nông thôn thông minh, tình trạng lao động ở quê rời bỏ ruộng vườn, tìm kế sinh nhai ở những thành phố lớn sẽ giảm dần, góp phần giảm tải áp lực đô thị, giữ chân lao động để phát triển nông thôn.
Theo HaiDuongonline