Miếng bánh thị phần của ngành vận chuyển vô cùng lôi cuốn. Từ năm 2017 đến nay, nhiều ông lớn như NinjaVan, J&T Express… đã thâm nhập và cũng sở hữu cho mình một phần của thị trường ngành dịch vụ chuyển phát nhanh.
Sự hấp dẫn của thị trường dịch vụ vận chuyển hàng hóa
Khi làm việc tại nhà dần trở nên phổ biến tại Việt Nam thì việc mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử cũng ngày càng phát triển. Sau dịch Covid-19, lượng khách hàng mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nhu cầu giao nhận hàng hóa. Theo số liệu thu thập của SuperShip.vn năm 2020, tiềm năng tăng trưởng của ngành này tại Việt Nam khoảng 18%/năm với quy mô hiện vào khoảng 11,8 tỉ đô la Mỹ và số lượng người mua hàng trực tuyến đạt khoảng 45,6 triệu.
Đây là nhóm ngành có biên lợi nhuận chưa hấp dẫn, nhưng những công ty nhóm ngành này lại gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ thị trường. Thống kê cho thấy tất cả công ty dịch vụ vận tải hiện tại đều là đối tượng sẵn sàng được rót vốn từ các quỹ đầu tư.
Nhận thấy tiềm năng hấp dẫn này, không chỉ các công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bán lẻ đang mở rộng quy mô mà hiện nay các công ty sản xuất còn tham gia đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và triển khai đội ngũ shipper giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Chẳng hạn như, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, ông lớn trong ngành bán lẻ là Thế giới Di động đã nhanh tay xây dựng cho mình một đội ngũ shipper công nghệ hùng hậu, từng bước lấn sân vào thị trường ngành giao hàng.
Lợi thế của Thế giới Di động là mạng lưới cửa hàng phủ sóng toàn quốc và mặt hàng kinh doanh đa dạng. Với sự tham gia của những “tay chơi” mới này cuộc chiến giành thị phần của các công ty trong ngành vận chuyển càng ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, đặc thù nhóm ngành nghề này cho thấy sở hữu đội shipper cũng chỉ có thể giúp chủ động hơn trong việc giao nhận hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, chứ chưa hẳn có thể giúp công ty tiết giảm chi phí.
Mô hình kinh doanh tưởng đơn giản mà phức tạp
Shipper có lẽ chỉ đơn giản là làm việc giao nhận hàng hóa từ nơi này đến nơi khác trong mắt nhiều người. Tuy nhiên, từ thất bại của đội ngũ bộ đội trong việc thay thế đội ngũ shipper vào cuối tháng 8 vừa qua cho thấy, mô hình kinh doanh này không đơn giản như chúng ta nghĩ.
Để vận hành một chuỗi công việc liên quan đến nhận hàng, vận chuyển và giao bưu phẩm đến từng ngóc ngách, ngõ hẻm cho khách hàng mà vẫn thu về nguồn lợi nhuận, đòi hỏi công tác của bộ phận quản trị chi phí cần được chú trọng kỹ lưỡng. Thông thường với những công ty khởi nghiệp, trong giai đoạn thâm nhập thị trường đạt được hòa vốn là điều không dễ.
Biên lợi nhuận của ngành giao nhận tương đối mỏng, nếu các công ty không quản lý khéo léo các khoản chi phí vận hành sẽ hầu như không có lãi và thậm chí âm vốn.
Yếu tố then chốt làm nên thành công của ngành giao nhận hàng hóa đó là mô hình vận hành dựa trên nền tảng kỹ thuật số giúp tối ưu hóa quy trình dịch vụ. Hiện nay, đa phần các công ty trong ngành sẽ ứng dụng hệ thống API và đây là một hệ thống có thể giúp cho công ty vận chuyển mở ra một cánh cửa mới thông minh, nhanh gọn cho cả quá trình xử lý đơn hàng. Thông qua API, dữ liệu từ điện toán đám mây được truyền tải nhanh chóng, quãng đường nhận đơn từ nhà cung cấp và tiến hành chuyển giao đơn hàng đến khách hàng sẽ được rút ngắn.
Bên cạnh nền tảng công nghệ tiên tiến, bí kíp làm nên một tổ chức shipper chuyên nghiệp còn liên quan tới chuyện tuyển dụng và đào tạo. Hầu hết các nhân viên giao hàng sẽ hoạt động tập trung quanh khu vực sinh sống, do đó năng lực am hiểu địa bàn di chuyển là tương đối tốt. Kết hợp với thiết bị điện thoại di động thông minh liên kết với bản đồ định vị và hệ thống của công ty, công việc giao hàng hóa đến người tiêu dùng lại gia tăng thêm phần nhanh chóng và hiệu quả.
Không dễ có được lợi nhuận trên mảng này
Doanh thu của các công ty giao hàng lớn thường có con số hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, tuy nhiên mức lợi nhuận lại rất mỏng. Báo cáo tài chính của Viettel Post (VTP) năm 2020 cho thấy, với quy mô doanh thu gần 18.000 tỉ đồng nhưng mức lợi nhuận chưa đến 500 tỉ đồng, mặc dù Viettel Post là một trong những công ty tiên phong, có kinh nghiệm lâu đời trên thị trường ngành chuyển phát nhanh. Biên lợi nhuận của ngành giao nhận tương đối mỏng, nếu các công ty không quản lý khéo léo các khoản chi phí vận hành sẽ hầu như không có lãi và thậm chí âm vốn.
Bên cạnh chi phí đầu tư nền tảng công nghệ, chi phí tiếp thị cũng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của công ty. Để lôi kéo khách hàng, gia tăng độ nhận diện thương hiệu, các công ty giao hàng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng như giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, miễn phí vận chuyển… Đối với khách hàng, đây chỉ là những khoản tiết kiệm vài chục đến vài trăm ngàn đồng, nhưng đối với các công ty giao hàng đây là một khoản chi phí vô cùng lớn, chưa kể đến các khoản phí tổn từ việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng cho người lao động.
Lĩnh vực thu hút nhiều dòng vốn đầu tư
Mặc dù đây là nhóm ngành có biên lợi nhuận chưa hấp dẫn, nhưng những công ty nhóm ngành này lại gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ thị trường. Thống kê cho thấy tất cả công ty dịch vụ vận chuyển hiện tại đều là đối tượng sẵn sàng được rót vốn từ các quỹ đầu tư.
Đối với các công ty hoạt động chính trong lĩnh vực vận chuyển, mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ kỹ thuật số là yếu tố quyết định chính đến sự tăng trưởng dài hạn của một công ty shipper. Với nguồn dữ liệu người dùng tích lũy, không chỉ mảng vận chuyển mà công ty còn có thể khai thác để sử dụng cho các mảng kinh doanh khác trong tương lai. Do đó, số lượng người dùng và doanh số có thể khai thác trên tập khách hàng đó là những cơ sở chính cho việc định giá của những công ty trong lĩnh vực này./.
Theo TBKTSG