Vì sao chậm?
Xăng dầu tăng giá “phi mã” trong thời gian dài khiến nhiều nhà thầu công trình “méo mặt” vì giá vật liệu đầu vào tăng đột biến so với thời điểm đấu thầu, ảnh hưởng lớn đến thi công dự án. Đây là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị giãn, chậm.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng nêu ví dụ: Tính riêng Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) với tổng mức hơn 11.000 tỷ đồng, dự kiến chi phí xây dựng bị đội thêm khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi kinh phí dự phòng biến động giá, nhân lực, thi công tại dự án... chỉ khoảng 300 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/5, có 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ Công tác kiểm tra tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng mới giải ngân được hơn 5.506 tỷ đồng, đạt 20,7% kế hoạch, trong đó tỉnh Khánh Hòa chỉ đạt 14,5%.
Theo ông Trần Kim Ba, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Phú Yên, hoạt động đầu tư công cũng đang phải đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng nên nhiều chủ thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công để chờ chính sách mới. Hệ lụy của COVID-19 kéo dài khiến nguồn thu ngân sách địa phương từ đất đai giảm mạnh, nguồn vốn đầu tư hạn chế... Ngoài ra, chính sách bồi thường, tái định cư thay đổi liên tục; hồ sơ pháp lý về đất đai phức tạp dẫn đến giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư mất rất nhiều thời gian.
Trên cổng thông tin dautucong.mpi.gov.vn của Bộ KH-ĐT tính đến ngày 20/5 mới ghi nhận 30/126 cơ quan đã báo cáo giải ngân vốn tháng 4/2022.
Ở nhiều địa phương và bộ ngành, tỷ lệ giải ngân vẫn “dậm châm tại chỗ” như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (tỷ lệ giải ngân cùng mức 0%), Cần Thơ (0,01%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (0,43%)…
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT), do diễn biến thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều; công tác chuẩn bị đầu tư của 5 tỉnh trên gặp khó khăn. 2022 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch trung hạn, 15/9/2021 mới giao kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 nên công tác chuẩn bị đầu tư không tốt khiến giải ngân chậm. Nguyên nhân nữa là công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt xác định nguồn gốc đất và đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng; giá nguyên vật liệu tăng cao…
“Suốt 4 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu là sắt thép, xi măng, cát sỏi rất cao, ảnh hưởng tới tiến độ nên thi công cầm chừng. Công tác triển khai ở các địa phương cũng còn nhiều hạn chế; tăng cường phân cấp nhưng không đi đôi với năng lực; năng lực của một số chủ đầu tư và nhà thầu thấp, khả năng tài chính thấp nên khi bị tác động” ông Nguyễn Đức Tâm cho biết.
Trước tình trạng nhiều Ban Quản lý dự án (BQLDA)/Sở GT-VT có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức bình quân chung của Bộ (25,9%), Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải có các giải pháp quyết liệt hơn nữa; đồng thời tranh thủ ngay khi giải quyết được vật liệu, thời tiết thuận lợi để tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ, bù phần chậm.
Đại diện các BQLDA Mỹ Thuận, BQLDA2 và một số Sở GT-VT như An Giang, Đồng Tháp cho biết: Lý do chậm giải ngân là do các dự án thiếu nguồn vật liệu để xử lý đất yếu, cầu yếu, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và điều kiện thời tiết xấu, mưa nhiều… gây khó khăn cho việc thúc đẩy tiến độ các gói thầu xây lắp.
Theo chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phân quyền cho địa phương tham gia thực hiện các dự án giao thông, dự kiến, sau khi 3 dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua trong tháng 5/2022, gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, 5.000 tỷ đồng/50.328 tỷ đồng nằm trong kế hoạch vốn của Bộ GTVT sẽ được giao về cho các địa phương liên quan. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các BQLDA, Sở GTVT phải xây dựng kế hoạch ngay trong tháng 5/2022 tỷ lệ giải ngân từ 33,3% (của 45.000 tỷ đồng) so với kế hoạch vốn Thủ tướng giao trở lên thay vì mục tiêu ban đầu là gần 30%.
Quy trách nhiệm cụ thể
Bốn Tổ công tác của Thủ tướng vừa kết thúc các cuộc kiểm tra trực tiếp tới địa phương để nắm bắt tình hình. Bởi năm 2022, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công rất lớn, trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước. Đại diện các Tổ công tác yêu cầu các đơn vị kiên quyết khắc phục tình trạng khi đưa vào danh mục đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục; thực hiện dứt điểm giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án; rà soát, kiện toàn năng lực các ban quản lý dự án.
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, cần phải đánh giá kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan; cần thành lập các Tổ công tác do Phó chủ tịch tỉnh là tổ trưởng, đốc thúc giải ngân vốn cho các sở, ngành; xử lý dứt điểm vướng mắc giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt. Các dự án 6 tháng chưa giải ngân thì kiên quyết cắt giảm; tăng cường giám sát và công tác chỉ đạo để đẩy nhanh giải ngân vốn năm 2022.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn cho các dự án, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở KH-ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất: Các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, các chủ đầu tư, doanh nghiệp… gấp rút xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và triển khai Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Theo đó, các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân vốn của các dự án do mình quản lý và thực hiện, bám sát tiến độ giải ngân đã đăng ký nhằm hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
“UBND thành phố cần kiên quyết xử lý trách nhiệm các bên liên quan và các chủ đầu tư có nhiều dự án điều chỉnh, gia hạn nhiều lần; xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc việc lập thủ tục thanh toán cho dự án trong thời hạn bốn ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công nên là một căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư”,
ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hồ Chí Minh đề xuất.
Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, Bộ KH-ĐT kiến nghị: Các bộ, địa phương giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần đưa ra “liều thuốc mạnh” để thúc đẩy đầu tư công với việc quy trách nhiệm với cụ thể từng vị trí và công khai kết quả giải ngân.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Cần xử phạt nghiệm: Việc chậm giải ngân phần lớn là do năng lực của bộ máy từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư đến nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, vì vậy đây là yếu tố cần được cải thiện trong thời gian tới. Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ, chậm giải ngân. Nhưng, thúc đẩy đầu tư công nhằm tăng trưởng kinh tế không phải bằng mọi giá, vẫn phải tuân thủ đúng Luật Đầu tư công, làm sao giải ngân phải thực sự có hiệu quả, tránh hiện tượng lợi dụng cơ hội này gây thất thoát lãng phí tổn hại tiền ngân sách Nhà nước.
Nguồn TTXVN