“Làm thế nào để kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người dân, nhưng lại không gây bất ổn tỷ giá, không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không gây khó cho hoạt động kinh doanh vàng” là câu hỏi lớn đặt ra lúc này. Đi tìm giải pháp căn cơ cho thị trường vàng, theo các chuyên gia, không cách nào tốt hơn là NHNN cần mạnh dạn thí điểm cơ chế quản lý mới cho thị trường vàng.
Kiểm soát để không gây ra những hệ lụy xấu đối với nền kinh tế
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “Giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội”, và trước những hệ lụy của vàng tăng giá quá cao, người đứng đầu Chính phủ đã có Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế. “Không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn tiền tệ quốc gia”.
Thủ tướng cũng giao cơ quan này thực hiện thanh tra, kiểm tra thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá.
Đồng thời, rà soát toàn diện pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, trang sức. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện các nội dung trên trong tháng 3.
Ở một diễn biến khác, chiều ngày 20/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành về quản lý thị trường vàng, tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Việc này xuất phát từ thực tế, giá vàng miếng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng tại Nghị quyết 24 là giải pháp quan trọng kiểm soát chặt nguồn cung. Nhưng từ 2014 đến nay, cơ quan này chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường và đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao.
Trước đó, ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 1426/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Người dân “găm vàng” nhiều thì ít tiền lưu thông, kinh tế không phát triển được. Vì vậy, trong Công điện số 1426/CĐ-TTg, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu: “Dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”.
Việc cần làm ngay là, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm công điện; khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao... Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng, mà Đảng và Nhà nước ta gọi là “nhóm lợi ích”.
Đáng chú ý, tính từ tháng 6/2023 đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.
Như vậy, “thông điệp” của Chính phủ, của Người đứng đầu Chính phủ đã rõ, đó là dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Theo đó sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng, các “nhóm lợi ích” này liên minh với nhau để thao túng thị trường, tạo ra cung - cầu “ảo” và những “cơn sốt” vàng nhằm trục lợi bất chính, gây tâm lý bất ổn trong Nhân dân và ảnh hưởng xấu đến chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước.
Có thể nói, đây là giải pháp chính sách đúng đắn, phù hợp với thức tiễn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc đã bị thực tiễn vượt qua.
Cần thiết điều chỉnh Nghị định 24 để tránh “tiền tệ hóa” vàng SJC
Hơn 10 năm trước, để chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế khi thị trường vàng tạo sức hút rất lớn đối với giới đầu tư, người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, qua đó bảo đảm cung - cầu thị trường cân bằng, ổn định. Sau hơn một thập kỷ, Nghị định 24 đã phát huy vai trò trong việc thành công điều hành thị trường vàng và ổn định tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên, diễn biến thị trường vàng hiện nay đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Nghị định này để phù hợp hơn với thực tế.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị định 24 và hoạt động quản lý thị trường vàng, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nêu rõ, mục tiêu chống “vàng hóa” nền kinh tế đã đạt được như tinh thần của Nghị định này. Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, việc điều chỉnh Nghị định 24 là điều cần thiết.
“Thời gian vừa qua đã chứng minh rằng chống “vàng hóa” nền kinh tế là mục tiêu cần phải làm và chúng ta đã làm khá tốt. Nhưng tôi muốn lưu ý rằng trước đây chúng ta mới chỉ đề cập một mục tiêu, đó là chống “vàng hóa”, còn một mục tiêu nữa mới xuất hiện gần đây và Nghị định 24 có lẽ cũng chưa bao quát được, đó là tránh “tiền tệ hóa” vàng SJC”, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết. Do đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng, vấn đề điều chỉnh Nghị định 24 như thế nào và quản lý thị trường vàng cần phải được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm hai mục tiêu kể trên.
Đi sâu phân tích diễn biến thị trường vàng thời gian gần đây, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ rõ, những ngày vừa qua, thị trường đã xuất hiện nhiều đỉnh cao về giá vàng “rất nghịch lý, bất thường và cũng rất nguy hiểm”.
Theo đó, điều này thể hiện ở việc giá vàng trong nước đã tăng cao nhất trong lịch sử, với nhiều yếu tố khách quan liên quan đến giá vàng thế giới. Song vấn đề quan trọng hơn là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới “cao khủng khiếp”, với mức chênh trên dưới 20 triệu đồng/lượng.
“Điều nguy hiểm hơn nữa là trong khi bình thường, chỉ chênh giữa giá vàng trong nước và nước ngoài khoảng 300 nghìn đồng/lượng để bảo đảm bù lại phần thuế nhập khẩu, phí dập vàng miếng, chi phí lưu thông…, nhưng mức chênh lệch này có lúc đã lên tới 20 triệu đồng. Đây là tín hiệu rất nguy hiểm cho thị trường” - TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.
Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá bán và giá mua cũng là vấn đề đáng lưu tâm. “Trước đây chênh lệch chỉ vài trăm nghìn đồng, với biến động giá trong ngày, nhưng giờ là 5 - 6 triệu đồng, chênh đến vài triệu. Đây là dấu hiệu cực kỳ bất thường và nguy hiểm của thị trường vàng” - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Mạnh dạn thí điểm cơ chế mới
Chính phủ rất sốt ruột trước những diễn biến trên thị trường vàng khi liên tiếp ban hành 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc về quản lý thị trường vàng trong thời gian từ giữa năm ngoái đến nay.
Hiện tại, dường như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khá lúng túng trong nỗ lực tìm ra giải pháp khả dĩ nhất nhằm quản lý thị trường này với mục tiêu hài hòa lợi ích các bên. Nhưng bối cảnh hiện không cho phép cơ quan quản lý chậm trễ hơn, vì càng chậm, thì hệ lụy với nền kinh tế càng lớn. Đã đến lúc phải áp dụng cơ chế quản lý mới cho thị trường vàng, kể cả trong hoàn cảnh buộc phải “ném đá dò đường”.
Vàng là loại tài sản vô cùng nhạy cảm, gắn bó chặt chẽ với tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, thì chênh lệch giá vàng sẽ ngay lập tức được kéo giảm, nhưng tỷ giá khó tránh bị ảnh hưởng. Nếu phát triển các sản phẩm vàng dạng phái sinh, thì nguy cơ vàng hóa nền kinh tế có thể quay lại.
Dù là giải pháp nào, thì cũng rất khó thỏa mãn cùng lúc lợi ích doanh nghiệp, lợi ích người tiêu dùng và lợi ích quốc gia. Trong mối quan hệ này, lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.
Có lẽ, bên cạnh việc hướng tới một thị trường vàng miếng tự do hơn, nhưng vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát, nhà điều hành cần áp dụng song hành các giải pháp khuyến khích ngành vàng trang sức xuất khẩu để cân bằng nguồn ngoại tệ. Ngoài ra, NHNN cũng cần cân nhắc tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng để gia tăng khả năng bình ổn thị trường vàng.
Trên thực tế, làn sóng mua ròng tăng dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương đã diễn ra hàng chục năm qua. Dĩ nhiên, bình ổn thị trường vàng không chỉ là nhiệm vụ của riêng NHNN. Nỗ lực chống nhập lậu, thao túng giá vàng, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, minh bạch thị trường vàng… cần sự vào cuộc của hàng loạt Bộ ngành khác như Công an, Công thương, Tài chính, Tư pháp…
Là hàng hóa đặc biệt, liên quan đến đại bộ phận dân cư, nên bất kỳ động thái thay đổi chính sách nào với vàng đều được người dân hết sức quan tâm. Đây là lý do khiến nhà điều hành e ngại, thận trọng khi đưa ra giải pháp mới. Tuy vậy, quá thận trọng và chậm trễ khi đưa ra chính sách quản lý mới rất dễ khiến thị trường thêm rối loạn.
Đã đến lúc, NHNN cần mạnh dạn thí điểm cơ chế quản lý mới cho thị trường vàng. Theo đó, việc thay đổi cơ chế quản lý vàng phải dựa trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tác động của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, tham vấn ý kiến các bên liên quan, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Quá trình áp dụng cơ chế mới này có thể phải tiến hành từ từ theo kiểu “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” và thay đổi linh hoạt theo từng giai đoạn.
Theo Công luận