Câu hỏi: Đây là năm thứ hai và lần thứ tư dịch covid-19 bùng phát ở nước ta. Dịch covid-19 ảnh hưởng đến các hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước như thế nào? Giải pháp nào để mô hình kinh tế này đứng vững trước tác động của Covid-19?
Trả lời:
Theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, “kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Theo đó, Việt Nam “ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm),...”.
Hai năm qua, các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch covid-19. Cụ thể:
Một là, khó khăn trong việc vận chuyển, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm nông nghiệp của mình đến các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hai là, những hợp tác xã đã vào chuỗi chế biến sản phẩm cho các nhà máy chế biến lớn cũng gặp khó khăn khi nhà máy cắt giảm công suất, làm việc luân phiên trong thời gian giãn cách chống dịch covid-19.
Ba là, những khó khăn do đại dịch gây ra tác động đến cấu thành giá sản phẩm dẫn đến giá thành sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã tăng.
Bốn là, khó khăn của thị trường, của các khâu chế biến, khó tiếp cận địa bàn sản phẩm nông nghiệp, các khâu kiểm dịch y tế phòng dịch covid-19 ở các địa phương,… tác động lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Năm là, giá vật tư đầu vào tăng cao so với trước đại dịch, làm cho giá thành sản phẩm trong các khu vực hợp tác xã tăng.
Sáu là, giá lao động thời kỳ covid-19 tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào cho các hợp tác xã.
Bảy là, hạ tầng đảm bảo cho việc sơ chế sau thu hoạch, tạm trữ trong thời gian ngắn chưa đảm bảo.
Tám là, tình hình xuất nhập khẩu ở các cửa khẩu không ổn định do yếu tố chủ quan và khách quan.
Trong cả nước có đến 80-90% hợp tác xã chịu ảnh hưởng của dịch covid-19, trong đó có đến 50% tổng số hợp tác xã giảm sâu về doanh thu, có thể đến trên 50% doanh thu so với lúc bình thường.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, nổi lên những điểm sáng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy như các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, hai địa phương chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của dịch covid-19 ngay đúng vào vụ thu hoạch vải thiều; tỉnh Sơn La, một địa phương có hơn 600 hợp tác xã, với sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền tỉnh, đã tiêu thụ được 113.000 tấn nhãn trong vụ nhãn 2021; hợp tác xã Evergrowth ở Sóc Trăng đã thu mua, tiêu thụ và đảm bảo giá thu mua sữa ổn định trong suốt thời gian dịch bệnh covid-19 đảm bảo thu nhập và đời sống của xã viên và bà con nông dân; v.v..
Vậy giải pháp nào để các hợp tác xã này nói riêng và các hợp tác xã nông nghiệp nói chung đứng vững trước tác động của dịch covid-19?
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, địa phương
Một là, tiếp tục chú trọng hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, nâng cao quy mô hợp tác xã, quy mô thành viên và quy mô sản xuất kinh doanh nhằm giảm thiểu rủi ro do các yếu tố khách quan tác động.
Hai là, nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ chế biến sản phẩm để đảm bảo các hợp tác xã phát triển ổn định, đặc biệt có tính đến các phương án dự phòng khi xảy ra các sự cố như: dịch bệnh, thiên tai,…
Ba là, kết nối các khu vực, tạo ra không gian kinh tế liên vùng; hình thành các vùng nguyên liệu; quản trị không chỉ theo chuỗi mà còn theo không gian, trong đó có liên kết chuỗi; tạo ra không gian kinh tế không bị giới hạn bởi không gian hành chính.
Bốn là, các địa phương định hướng đưa các hợp tác xã, các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất của các nhà máy sản xuất lớn; tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà máy sản xuất lớn, góp phần để các hợp tác xã ổn định được khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra lâu dài.
Năm là, chỉ đạo, hỗ trợ một cách đúng đắn, khoa học, phù hợp của các địa phương trong việc nâng cao năng lực chế biến sản phẩm của các hợp tác xã và các doanh nghiệp trong địa bàn. Đặc biệt, trước mắt, đầu tư vào chế biến nhỏ nhằm giải quyết vấn đề tồn đọng sản phẩm nông sản trong thời kỳ dịch bệnh; giải quyết rủi ro và giúp giá trị gia tăng của nông sản được nâng lên.
Sáu là, phối hợp liên ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm: các địa phương và các cơ quan ngoại giao hỗ trợ các hợp tác xã kết nối cung cầu qua hội nghị trực tuyến với tham tán thương mại ở các nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Ví dụ vừa qua Việt Nam đã xuất khẩu khá thành công vải thiều và nhãn sang các thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, Anh, Hàn Quốc, Đức, Ba Lan, Hà Lan,…
Bảy là, kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã. Cả nước hiện có hơn 4.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với gần 2.000 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chiếm gần 28% tổng số hợp tác xã.
Tám là, tiếp tục triển khai tốt Đề án OCOP. Đến nay, có khoảng 823 hợp tác xã là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu 30% trong tổng số gần 5.000 sản phẩm OCOP cả nước.
Về phía các hợp tác xã, các doanh nghiệp
Một là, các hợp tác xã và doanh nghiệp cần chủ động lựa chọn hướng đầu tư vào chế biến sản phẩm một cách hợp lý, khoa học; khuyến khích các hợp tác xã xây dựng nhà máy chế biến trong hợp tác xã, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Hiện nay, cả nước có hơn 2.200 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 13% tổng số hợp tác xã) đã thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, hoặc có dự án liên kết đầu tư.
Hai là, hoạch định được khối lượng sản phẩm đưa vào chế biến, khối lượng sản phẩm xuất khẩu, khối lượng sản phẩm tiêu thụ trong nước, khối lượng sản phẩm cung ứng theo hợp đồng đối với các nhà máy chế biến để đảm bảo chủ động trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Ba là, chú trọng đầu tư khoa học công nghệ cho khâu chế biến sản phẩm nông nghiệp. Thời gian qua, các hợp tác xã tỉnh Sơn La đã chuyển đổi từ các lò sấy long nhãn thủ công dùng than củi, sang lò sấy hơi nhiệt sạch;… góp phần rất lớn vào việc tiêu thụ và chế biến toàn bộ 113.000 tấn nhãn của địa phương.
Bốn là, hợp tác xã và doanh nghiệp chú trọng đầu tư hợp lý cho xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chế biến, hạ tầng thương mại.
Năm là, thiết lập xúc tiến thương mại trên mạng, ứng dụng công nghệ thông tin,…
Tin tưởng rằng, nếu vận dụng, thực hiện tốt những giải pháp trên thì các hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam không những đứng vững trước tác động của đại dịch covid-19 mà còn tìm được hướng đi bền vững lâu dài trong suốt tiến trình hội nhập thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Phương Dung (tổng hợp)