Trước những khó khăn này, nhiều giải pháp được nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu lựa chọn để giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi nhưng vẫn đem lại lợi nhuận.
Đó là chuyển đổi phương thức sản xuất từ tốn nhiều chi phí phân, thuốc hóa học sang sản xuất hữu cơ vi sinh trong trồng trọt và chuyển sang loại thức ăn mới trong chăn nuôi để tiết kiệm chi phí sản xuất, trong khi đó lại nâng cao được chất lượng sản phẩm.
Là thành viên của Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ. Từ cuối năm 2019, anh Nguyễn Minh Tuấn đã mạnh dạn chuyển hơn 1 ha bưởi da xanh sang canh tác sang hữu cơ, vi sinh. Vì vậy, khi giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thi nhau “đội giá” tăng vùn vụt, anh Tuấn cũng không mấy lo lắng về chi phí đầu tư.
Bởi theo phương pháp canh tác này, anh Tuấn đã giảm được hơn 120 triệu đồng tiền đầu tư cho với phương thức sản xuất trước đây, đó là sử dụng phân, thuốc hóa học. Trong khi đó, sản lượng lại ổn định, thậm chí còn tăng, thay vì 16 tấn lên 20 tấn như mọi năm.
Qua gần 2 năm áp dụng phương pháp bón phân hữu cơ với các hỗn dịch sữa chua và trứng gà phối trộn với nhau để tưới cho cây bưởi, cộng với phân chuồng đã ủ hoai mục và thuốc vi sinh, sản lượng vườn bưởi của anh Tuấn luôn duy trì ổn định; dù mẫu mã không được đẹp như trước nhưng chất lượng trái lại luôn được khách hàng đánh giá cao về độ ngọt, ngon đặc trưng. Nhờ vậy, cứ trước mỗi vụ thu hoạch, thương lái đều đến vườn bưởi của anh Tuấn đặt cọc tiền để đến vụ sẽ thu mua hết.
Với cách làm này, bình quân mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, anh Tuấn thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng, tăng so với trước hơn 100 triệu đồng/năm.
Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài có 200 ha diện tích trồng bưởi; trong đó, có gần 100 ha đang dần chuyển qua sản xuất hữu cơ vi sinh hướng tới nâng cao chất lượng trái bưởi, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Anh Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ cho biết, hiện nay hợp tác xã đang khuyến khích bà con dần chuyển sang hướng canh tác hữu cơ vi sinh để giảm được chi phí đầu tư cho sản xuất nhưng trái bưởi sẽ có chất lượng hơn, thì khi đó thị trường đầu ra sẽ tốt hơn cho các thành viên của hợp tác xã.
Không chỉ giá các loại phân, thuốc vô cơ trong trồng trọt tăng chóng mặt, mà từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi cũng ngày càng tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải lao đao, nhất là khi giá các sản phẩm như: lợn, gà, vịt lại tỷ lệ nghịch với giá thức ăn. Càng nuôi càng thua lỗ khiến nông dân phải giảm đàn, thậm chí treo chuồng.
Nhằm giảm chi phí thức ăn, một số hộ chăn nuôi đã dùng các loại thức ăn mới, tận dụng phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà con giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập. Trường hợp của anh Lê Minh Hiếu, ngụ ấp Phước Hữu, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa là một điển hình như thế.
Hiện nay, anh Hiếu đang rất thành công và giảm rất nhiều chi phí thức ăn chăn nuôi tư mô hình nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho vật nuôi của, bổ sung nguồn đạm thay thế cám nuôi công nghiệp, giúp vật nuôi mau lớn và có chất lượng thịt rất tốt.
Anh Lê Minh Hiếu cho biết, mô hình nuôi ruồi lính đen trong hỗn hợp cấy vi sinh đã giúp anh giảm rất nhiều chi phí trong chăn nuôi. Anh Hiếu dùng chế phẩm sinh học kết hợp với mật mía và nước sạch, sau đó anh cho ấu trùng ruồi lính đen mới nở vào môi trường này sinh sống. Lúc mới đầu nuôi, anh Hiếu phải mua trứng ruồi lính đen từ các trại giống từ tỉnh An Giang về. Tuy nhiên, đến nay anh đã biết cách tự nhân giống mà không cần phải mua ngoài.
Hiện nay, trang trại nuôi ruồi lính đen của anh Hiếu có diện tích khoảng 200m2, với mỗi lần nuôi khoảng 100 gram trứng sẽ ra được 300kg ấu trùng thương phẩm trong vòng 12 ngày, ấu trùng này anh Hiếu sẽ thu hoạch và làm thức ăn cho vật nuôi của gia đình.
Hiện tại, với số lượng nuôi như hiện nay 300kg ấu trùng ruồi lính đen/12 ngày, với cách phối trộn thủy phân ấu trùng ruồi lính đen, thủy phân cá cộng với bã đậu và vi sinh anh Hiếu đã có thể thay thế hoàn toàn thức ăn công nghiệp cho đàn vịt 1.400 con, gần 1.000 con gà và hàng trăm con cá các loại đang được nuôi tại trang trại của gia đình.
Với cách phối trộn thức ăn này, anh Hiếu nhẩm tính chưa đến 3.000 đồng/kg thức ăn, rẻ hơn gấp nhiều lần chi phí 1kg cám công nghiệp đang tăng cao như hiện nay. Anh Hiếu so sánh, với khoảng 1.000 con vịt nuôi thương phẩm, với giá cám công nghiệp như hiện nay, người chăn nuôi tốn khoảng gần 100 triệu đồng tiền cám công nghiệp cho vịt từ khi nuôi đến khi xuất chuồng. Còn với cách nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen thủy phân này chỉ tốn khoảng 35 triệu đồng tiền chi phí thức ăn.
“Với cách nuôi lấy thức ăn từ ấu trùng ruồi lính đen này vật nuôi rất nhanh lớn do hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn cao, tỷ lệ rủi ro do dịch bệnh cũng giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng vật nuôi”, anh Hiếu thông tin thêm.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc sử dụng côn trùng trong chăn nuôi rất phổ biến trên thế giới. Ruồi lính đen được tổ chức nông lương Liên hợp quốc công nhận là giống côn trùng được ưu tiên xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein thay thế cho các thức ăn cho một số vật nuôi. Mô hình nuôi ruồi lính đen của anh Hiếu là mô hình còn khá mới và rất thành công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, trong khi chờ nhà nước có giải pháp kiểm soát chặt các yếu tố đầu vào để giảm gánh nặng cho nông dân. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ giúp nông dân đảm bảo ổn định sản xuất thì việc vận dụng các giải pháp chuyển đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư đang là giải pháp hiệu quả để đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân, ngoài việc chuyển đổi phương thức sản xuất mới giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, thì người nông dân cũng cần phải cân đối dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Bón phân, cho vật nuôi ăn đúng thời điểm, đủ dinh dưỡng không để dư thừa gây lãng phí, giúp giảm chi phí đầu vào.
Tin tức