Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, diễn biến dịch bệnh vẫn là yếu tố then chốt tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế. Khi chưa thể khẳng định thời điểm nào thì dịch kết thúc, yêu cầu đặt ra lúc này là phải chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng, khi đó nhất định chúng ta sẽ vượt qua thách thức và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt để trợ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. |
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý I/2020 đạt 3,82%. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 10 năm (2011 – 2020). Thống kê cho thấy, trong quý 1/2020, GDP tăng thấp, tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế đều suy yếu. Cụ thể, khu vực dịch vụ chỉ tăng trưởng ở mức 3,27%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, mức tăng trưởng này chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như chưa tính các tác động đến khu vực kinh tế phi chính thức.
Chớp thời cơ trong dịch bệnh
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 6, khi đó, nền kinh tế của đất nước sẽ bắt đầu tiến trình hồi phục vào đầu quý III. Tuy nhiên, tiến trình hồi phục của kinh tế sẽ kéo dài đến giữa năm 2021 thậm chí đến cuối năm 2021. Còn nếu đến cuối tháng 6 vẫn chưa kiểm soát được bệnh dịch, khi đó kinh tế sẽ đi vào khủng hoảng, theo đó các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người lao động, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Thế giới đang thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi rất nhiều. Sau dịch bệnh, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề giao thương giữa con người với nhau, giữa các quốc gia với nhau sẽ thay đổi toàn diện. Do đó, việc tái đào tạo và đào tạo mới cho cán bộ nhân viên, nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế mới là vô cùng quan trọng”.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm phương pháp sáng tạo hoàn thiện mô hình kinh doanh. Bởi, những tác động lớn như dịch Covid 19 sẽ là kinh nghiệm điều hành kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Cần có sự điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải đa dạng hóa thị trường, dù hiện nay cũng khó nói đa dạng hóa thị trường khi cả thế giới đóng băng. Nhưng kịch bản cho đa dạng hóa thị trường là cần thiết, để tránh bài học của quá khứ khi quá tập trung vào một thị trường lớn”.
“Bên cạnh đó cũng cần thực hiện những hành động gọi là chớp thời cơ. Tôi lấy ví dụ như là trong dịch bệnh vẫn có những cơ hội, ngành dệt may thì chuyển sang may khẩu trang chẳng hạn…”, ông Phong nêu ý kiến.
Cần chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng sau đại dịch để vực dậy kinh tế. |
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương. Ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chi trả kịp thời bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc; trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh gặp khó khăn.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cần ban hành những chính sách mới hỗ trợ có hiệu quả theo hướng tổng thể và đồng bộ, qua đó, để tạo sức bật cho những đầu tầu của nền kinh tế là các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển sau đại dịch. Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt, các cấp địa phương trợ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc duy trì sản xuất kinh doanh.
“Nền kinh tế thế giới sau giai đoạn dịch bệnh này, sau cuộc suy thoái được dự đoán này sẽ có thay đổi tương đối căn bản. Các chuỗi giá trị được thiết lập lại, các dòng vốn đầu tư thương mại sẽ đảo chiều. Các mô hình kinh doanh mới sẽ nảy sinh và phải chuẩn bị 1 nền tảng thể chế nền tảng về cơ sở nhân lực thật tốt để các DN Việt Nam có thể thích ứng và tận dụng được những cơ hội mới cũng như đương đầu với thách thức”, ông Lộc nói.
“Chúng ta sẽ có những cơ hội đón những dòng vốn đầu tư có chất lượng cao hơn dịch chuyển đến nước ta theo hướng bớt lệ thuộc vào 1 thị trường của các tập đoàn đa quốc gia. Để tận dụng được các dòng vốn đó, chúng ta phải tận dụng được yêu cầu cao về nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như thể chế”, ông Lộc nêu rõ.
Chống dịch và vượt qua dịch đã khó, đứng dậy và phục hồi sau dịch bệnh càng khó hơn, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và niềm tin. Rõ ràng, sau đại dịch lần này trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như: giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch.
Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19. Một khi chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng, cùng tinh thần vượt khó và với một ý chí mới, một tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ sẽ vượt qua thách thức./.
Theo VOV