Câu hỏi: Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 (sáng 30/6/2022), Bộ Chính trị đã đưa ra những giải pháp nào để tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới?
Trả lời
Sáng 30/6, tại Hà Nội Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.
Báo cáo chỉ rõ, trong 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Những kết quả trên có được là nhờ chủ trương đúng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của các đồng chí đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó là sự kế thừa, tiếp nối của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ; sự cộng hưởng của những kết quả tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được các đại biểu dự Hội nghị nêu lên như: công tác tuyên truyền, giáo dục có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.
Trước tình hình đó, báo cáo đã đưa ra các giải pháp cơ bản để tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian tới như sau:
Một là, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy đảng, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tiến hành đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên thực hiện trách nhiệm nêu gương; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được kiện toàn, nâng cao hiệu quả; nhất là triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước...
Chiên Lê
(Theo Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 của Bộ Chính trị)