Lựa chọn khó khăn
Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ vừa qua, “Việc hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần như một chiếc lò xo bị nén, chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng. Nếu dịch bệnh tiếp tục thì việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế”.
WB dự báo đại dịch đang hoành hành có thể đẩy lùi tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống còn 4,9%, thấp hơn khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, thậm chí có thể chạm mốc 1,5% trong kịch bản xấu hơn.
Thủ tướng dẫn lại kết quả cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (Đức) tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục cho thấy Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ cao nhất thế giới (62%). Thủ tướng nhìn nhận, điều này cho thấy sự đồng tâm, hiệp lực của chúng ta trong cuộc chiến chống COVID-19.
Triển vọng cao so với khu vực và trung hạn
Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) mang tên: "Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19", WB khuyến nghị chính phủ các nước trong khu vực cần thực hiện các giải pháp đầu tư khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế và dự phòng dài hạn của quốc gia, tích hợp kiểm soát dịch bệnh với đảm bảo kinh tế vĩ mô.
WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống còn 4,9%, thấp hơn khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đây là con số điều chỉnh theo kịch bản phục hồi mạnh sau dịch với sự phản ánh tác động của dịch COVID-19 tới các nền kinh tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải, hàng không... là những ngành chịu tác động nặng nề của dịch.
Ở một kịch bản xấu hơn, hồi phục yếu sau dịch, WB dự báo GDP VN có thể chạm mốc 1,5%. Tuy nhiên, so sánh với các quốc gia cùng khu vực, tăng trưởng dự báo vẫn còn triển vọng khá hơn so với nhiều quốc gia.
Về trung hạn (2021), WB dự báo GDP Việt Nam sẽ quay lại mức 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Định chế tài chính lớn của thế giới tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ lại bật lên sau đại dịch COVID-19, với tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm nhờ các điều kiện thị trường lao động dự kiến tiếp tục thuận lợi.
WB cũng khuyến nghị Chính phủ các nước trong khu vực cần thực hiện các giải pháp đầu tư khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế và dự phòng dài hạn của quốc gia, tích hợp kiểm soát dịch bệnh với đảm bảo kinh tế vĩ mô. Các biện pháp tài khóa có mục tiêu, chẳng hạn như trợ cấp nghỉ ốm và y tế, sẽ giúp kiềm chế thiệt hại, đảm bảo khó khăn tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về vốn nhân lực.
Còn người, còn niềm tin, còn GDP và thu thuế
Những khuyến nghị của WB đang khá tương đồng với các chính sách mà Chính phủ Việt Nam triển khai, trên nền tảng hệ thống y tế cộng đồng khá tốt và sự tin tưởng của người dân vào chính sách, thể hiện qua qua kết quả và diễn tiến phòng chống dịch trên toàn quốc hiện nay.
Với sự sẵn sàng của “bộ đệm” tiền tệ còn dư địa để hỗ trợ lãi suất vay cho nền kinh tế và tài khóa linh hoạt với các quyết định tăng đầu tư công kíp thời, tập trung cho các dự án có ý nghĩa tăng năng lượng cho nền kinh tế và GDP, các chuyên gia đánh giá Việt Nam cũng đang có “bộ đệm” chính sách với lựa chọn đúng ngay từ đầu: Chọn sức khỏe của dân để ưu tiên 1 thay cho ưu tiên tăng trưởng kinh tế.
Đi cùng là các chính sách hỗ trợ các đối tượng cần được trợ cấp thất nghiệp, y tế, đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng cửa phá sản. Qua đó cũng là giảm sốc đối với tỷ lệ nghèo và thị trường lao động. Từ chọn y tế cộng đồng đúng, đến chọn giảm tác động kinh tế đúng, cơ hội để hồi phục GDP, trở mình của Việt Nam qua mùa dịch cũng sẽ mạnh hơn.
TS Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, Đại học Fulbright khẳng định: “Còn người và còn niềm tin thì còn GDP và thu thuế. Ngược lại, nếu chống dịch thất bại thì khủng hoảng y tế ngay lập tức sẽ chuyển thành khủng hoảng kinh tế, thậm chí là khủng hoảng tài chính và nợ công”. Lựa chọn của Chính phủ, “hy sinh thành tích kinh tế trong ngắn hạn”, theo đó, thực sự đã sớm tạo bộ đệm dày cho GDP và nhân hy vọng để Việt Nam diễn biến GDP theo kịch bản 1 của WB.
Tuy nhiên, trong mọi tình huống, dự phòng một kịch bản xấu nhất để kịch bản đó không diễn ra, vẫn không hề thừa. Như đề cập, WB đã đặt ra một “chỉ tiêu dự báo xấu” cho Việt Nam ở vế thứ 2, hồi phục xấu. Ngay cả ở vế đó, Việt Nam cũng có điều kiện để thoát ra khỏi mối nguy tăng trưởng âm.
Thực tế, báo cáo GDP hàng quý cho thấy sự tăng trưởng yếu nhất của quý đầu tiên năm 2020, tăng còn +3.8% so với mức tăng 7% trong quý 4/2019 khi tình trạng bùng nổ của dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, nhưng vẫn là tăng trưởng so với mọi quốc gia đang bị COVID-19 tàn phá.
Trong khi nhiều ngành xấu đi bao gồm cả tâm lý người tiêu dùng nội địa thì Việt Nam lại vẫn còn những điểm sáng tăng trưởng về công nghiệp & xây dựng (+5,2%); và được hỗ trợ bởi sản xuất tốt hơn mong đợi (+7,1%) và cải thiện ở điện & khí đốt (+7,5%). IP cho sản xuất tăng +7,3% trong tháng 3 (tương tự +7,4% trong 2 tháng đầu năm). Một số các cản phẩm chủ yếu như máy tính, thiết bị điện tử tăng mạnh lên +17,5% trong tháng 3, từ mức tăng trưởng 13,4% trong 2 tháng đầu năm 2020…
Theo GS. TS. Nguyễn Đức Khương, PGĐ phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris), & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global): "Ưu tiên của chúng ta hiện giờ vẫn là ngăn chặn dịch trong thời gian ngắn nhất và đưa các hoạt động kinh tế về lại mức bình thường trước đó. Nhóm đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể là những đối tượng chịu tổn thương ngay lập tức khi dịch bệnh bùng phát. Chính phủ có thể xem xét về việc giảm một số loại chi phí cho nhóm này, như mặt bằng, điện, nước... Đây là việc Chính phủ Pháp đã làm. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên chú ý thêm đến các chính sách liên quan đến những ngành nghề, giải pháp kinh doanh mới, dựa trên công nghệ, sáng tạo, có dịp nở rộ để thích nghi với dịch. Làm sao để vừa hỗ trợ, thúc đẩy, vừa kiểm soát tốt".
PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng: "Các chính sách điều hành vĩ mô có thể giảm thiểu được tác động tiêu cực, đặc biệt chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát. Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu và tác động thế nào, nhưng một khi lạm phát và lãi suất được giữ ở mức thấp, tỷ giá được giữ ổn định, và đầu tư công được giải ngân đúng và giám sát chặt chẽ, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng. Hơn thế, trong trường hợp kinh tế thế giới chuyển từ lao đao sang giảm cầu toàn phần, bóng ma COVID-19 sẽ không chỉ đe dọa tổn thương tăng trưởng của Việt Nam. Chúng ta cũng phải sẵn sàng từ xác định sẽ khó tách mình ra khỏi mối nguy chung nếu toàn cầu thực sự rơi vào suy thoái kinh tế".
Vấn đề của Việt Nam và GDP trong các quý tới, không chỉ là sự co cụm của giãn cách xã hội trong 15 ngày đầu tiên ở quý II/2020, theo đánh giá sẽ chỉ tác động vô cùng ngắn hạn nếu dịch bệnh thực sự kiểm soát được trong tháng 4/2020, mà là việc giảm nhu cầu ở các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Mỹ và châu Âu. Điều này gây ra thách thức đối với ngành sản xuất của Việt Nam khi có thể chuyển từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng sang nhu cầu giảm trên toàn thế giới.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp