Sự kiện được tổ chức nhằm giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các bên liên quan nhìn nhận, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài khi thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), bên cạnh các cơ hội mở ra, năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam chính thức áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đối với Việt Nam, việc thực thi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tại hội nghị các chuyên gia kinh tế, tư vấn thuế, đầu tư, luật… đã chia sẻ và nêu lên tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu và thực thi của Việt Nam. Đồng thời, đặt ra các vấn đề bức thiết cần quan tâm thực hiện để duy trì chất lượng của môi trường đầu tư, thu hút được các dòng vốn đầu tư chất lượng cao như: Cơ chế cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế, hướng dẫn về kiểm soát khả năng khiếu nại, xử lý tranh chấp, bảo đảm quyền lợi cho người đầu tư…
. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho rằng: Một số ít đất nước đang phát triển có được lợi thế rất cơ bản như ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có mạng lưới sản xuất phát triển. Đặc biệt, Việt Nam là đất nước ổn định, có dân số khá trẻ (60% < 35 tuổi) và chi phí lao động tương đối cạnh tranh; thị trường nội địa tăng nhanh cùng tầng lớp trung lưu ngày càng lớn lên.
Bên cạnh đó, Việt Nam chuyển đổi số mạnh mẽ, đang nỗ lực xanh, và đang nỗ lực bắt kịp với nhiều khía cạnh khác nhau của cách mạng công nghiệp lần thứ 4... Đặc biệt, tất cả các đối tác quan trọng của Việt Nam đều nằm trong Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Theo TS. Võ Trí Thành, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài như: Chi phí nhân công tăng cộng với “thời kỳ dân số vàng” không dài và lao động kỹ năng thiếu hụt; cùng với đó là hạ tầng, môi trường hành chính, pháp lý…
Do đó, ngoài việc cần cải thiện chung về mặt bằng sản xuất kinh doanh; nhân lực; thể chế và môi trường kinh doanh, hạ tầng, Việt Nam cần có chiến lược (mới) trong thu hút đầu tư nước ngoài: Từ tối đa hóa số lượng sang tối ưu hóa chất lượng (kết nối trước - sau, lan tỏa công nghệ và kỹ năng và phát triển bền vững; gia tăng giá trị cùng sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.
“Chúng ta rất kỳ vọng lần này rất nhiều, không chỉ nguồn vốn mà quan trọng hơn gắn với các nhà đầu tư có các dự án chất lượng đầu tư vào Việt Nam cùng với đó là đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh” - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Các chuyên gia thảo luận, chia sẻ "Giải pháp đột phá cho TP. Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới" tại hội nghị |
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày tham luận về chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới; chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư hiện nay của Việt Nam; đánh giá khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực; định hướng chính sách thu hút và hỗ trợ đầu tư trong bối cảnh mới như quỹ hỗ trợ đầu tư, chính sách tổng thể về thu hút đầu tư, chính sách đầu tư với các ngành ưu tiên…
Phần chia sẻ của các chuyên gia đã giúp làm rõ những nội dung liên quan tới bối cảnh đầu tư quốc tế và các đột phá thu hút đầu tư trong bối cảnh mới; những thay đổi trong chính sách và định hướng thu hút, hỗ trợ đầu tư nước ngoài của Việt Nam nhằm phù hợp với bối cảnh mới; triển vọng cho TP. Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trên cơ sở tận dụng Nghị quyết 98 và các xu hướng mới; cũng như gợi mở, khuyến nghị các hành động cụ thể để thích nghi với bối cảnh, xu hướng đầu tư mới.
Tại phiên thảo luận bàn tròn "Giải pháp đột phá cho TP. Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới”, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và các doanh nghiệp FDI … đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp đột phá: Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn công nghệ theo hướng ưu tiên của Thành phố; phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, tăng cường liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước... nhằm giúp TP. Hồ Chí Minh đạt được các mục tiêu về thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.
Các doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị cũng bày tỏ những vấn đề quan tâm, trao đổi những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và kiến nghị một số giải pháp liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.
Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. |
Theo Báo Công thương