Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới mô hình tăng trưởng. Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, áp dụng, lồng ghép Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể, kịch bản các hoạt động tăng trưởng xanh, gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngành. Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh bởi họ là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước. Do đó, cần thiết phải xây dựng và thực hiện các dự án truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh phải là động lực chính để phát triển bền vững và là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối nguồn lực trong nước và quốc tế hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành nghề. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và mức độ xanh hóa của nền kinh tế.
Thứ ba, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh. Trên thực tế, thực hiện tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư cho đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở… nhằm phục vụ việc triển khai thực hiện. Hệ thống ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng xanh, tuy nhiên việc triển khai cung ứng vốn cho các doanh nghiệp phát triển xanh, bảo vệ môi trường vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Để huy động được đầu tư tư nhân, chính sách của Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì các chính sách ngắn hạn để tạo sự tin tưởng của khối tư nhân. Hiện nay, rất nhiều các khoản đầu tư của tư nhân nhưng chỉ ngắn hạn trong thời gian 4 - 5 năm, sau đó họ chuyển sang các lĩnh vực khác do lo sợ về về mặt chính sách.
Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Việt Nam đang đặt ra nhiều ưu tiên cho việc xây dựng nền kinh tế xanh và rất cần thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Vì vậy, cần có những sáng kiến và giải pháp đột phá để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án mang lại hiệu quả về môi trường, xã hội và quản trị. Qua đó, góp phần tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng toàn diện cũng như giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Cần đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác công tư, chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ tư nhân cũng như triển khai các công cụ tài chính dựa vào thị trường, như thị trường mua bán và trao đổi tín chỉ carbon để bảo đảm tính bền vững và nguồn lực tài chính ổn định cho tăng trưởng xanh./.