Câu hỏi: Xin cho biết giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trả lời
Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 04/5/2024, nêu rõ giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
Thứ nhất, giải pháp về cơ chế, chính sách bảo đảm liên kết vùng
Một là, xây dựng cơ chế, thể chế liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế đủ mạnh, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối tập trung vào: Liên kết trong việc đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ; Liên kết vùng trong khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu; Liên kết vùng trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, nhất là tài nguyên nước, khoáng sản, tài nguyên rừng; Liên kết trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Hai là, tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng, bảo đảm liên kết vùng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các địa phương, trong đó tập trung vào những vấn đề then chốt như: Điều tiết, cân bằng lợi ích giữa các địa phương như xử lý các xung đột về lợi ích, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Điều hòa lợi ích của quốc gia và lợi ích của từng địa phương; và Khuyến khích liên kết tự nguyện giữa các địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và chính sách tạo thuận lợi, khuyến khích địa phương liên kết.
Ba là, thí điểm, xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù như cơ chế, chính sách về chuyển đổi các diện tích rừng, cơ chế đặc thù hỗ trợ các địa phương có nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, bảo vệ và giữ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế tài chính, phân cấp đầu tư, ngân sách để thực hiện các dự án mang tính chất vùng và liên vùng, bảo đảm quản lý thống nhất về quy hoạch phát triển và cân đối nguồn lực. Có cơ chế tài trợ vùng chính thức cho xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cấp vùng; bảo đảm chia sẻ công bằng lợi ích từ liên kết.
Năm là, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức, cộng đồng, người dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của vùng. Các địa phương cần phối hợp để xác định các sản phẩm lợi thế của mình để cùng nhau tạo điều kiện huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức, cộng đồng, người dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của vùng.
Thứ hai, giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư
Một là, đối với nguồn ngân sách nhà nước
- Tập trung ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác để bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân. Quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của thành phần kinh tế khác; hạn chế, hướng tới không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, nhất là đối với các dự án đặc biệt ưu tiên cấp quốc gia, có sức lan tỏa và tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục.
- Nguồn ODA ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu liên kết vùng. Thu hút nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước, tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ, đẩy mạnh cổ phần hóa, bảo đảm giữ vai trò chủ đạo và ổn định kinh tế vĩ mô.
- Hoàn thiện một số chính sách hỗ trợ theo ngành đối với vùng để phát huy các thế mạnh như: Chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối với đường cao tốc, đường quốc lộ của các địa phương gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm, vùng nông nghiệp chuyên canh, nguyên liệu nông lâm sản phục vụ chế biến gắn xuất khẩu theo chuỗi sản phẩm; liên kết đầu tư xây dựng hạ tầng và các cơ sở sản xuất kinh doanh khu kinh tế cửa khẩu.
- Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn vùng, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm trên cơ sở phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động đối với các cấp cơ sở.
Hai là, đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
- Xây dựng cụ thể danh mục kêu gọi thu hút vốn FDI đi đôi với xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn theo chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng, vận dụng tối đa các hỗ trợ phù hợp quy định, các điều kiện thuận lợi hơn về mặt bằng để khắc phục những khó khăn, thách thức về rủi ro khi đầu tư như suất đầu tư lớn, thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra, hạ tầng kém phát triển, chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm nhằm thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư tại địa bàn vùng. Xây dựng và hình thành cơ chế để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các địa phương theo định hướng quy hoạch và yêu cầu phát triển. Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng nông thôn để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong vùng để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước.
Ba là, nguồn vốn tín dụng
- Đổi mới chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước theo hướng chỉ hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường tín dụng chính thức, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án xây dựng công trình hạ tầng có tỷ suất lợi nhuận thấp và thời gian thu hồi dài. Đồng thời, cải thiện chất lượng thị trường tín dụng để các nhà đầu tư có được lượng vốn cần thiết một cách thuận lợi và có chi phí thấp.
- Đổi mới các cơ chế đầu tư, tín dụng, ban hành đồng bộ các cơ chế về các hình thức cấp dụng của hệ thống tài chính tín dụng (cho vay, cho thuê, chiết khấu bảo lãnh tín dụng).
Bốn là, nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân
- Tập trung xây dựng và ban hành khung chính sách và cơ chế thu hút riêng theo đặc thù từng địa phương, trong đó chú trọng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính, phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cấp sở, ngành, cấp huyện (DDCI); chủ động nghiên cứu tháo gỡ các rào cản chính như khó khăn trong tiếp cận về đất đai, mặt bằng, các rào cản về hạ tầng, khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp.
- Có cơ chế chính sách đột phá trong thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đặc biệt ưu tiên cấp vùng, có sức lan tỏa và tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục.
- Khuyến khích đầu tư trang thiết bị có công nghệ tiên tiến, từng bước chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các sản phẩm có công nghệ, hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao gắn với chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ.
Thứ ba, giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ
Một là, triển khai và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về khoáng sản, nhất là việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp cấp vùng về quản lý, bảo vệ môi trường trên cơ sở bảo đảm sự điều phối chặt chẽ về quản lý và bảo vệ môi trường giữa các chương trình, dự án trong phạm vi liên tỉnh và tiểu vùng; cơ chế, chính sách về thuế tài nguyên hợp lý, đảm bảo khai thác tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tập trung giải quyết tác động của các hoạt động phát triển trong vùng như vấn đề ô nhiễm môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước. Hoàn thiện, ban hành mới các cơ chế, chính sách và biện pháp thực thi các chương trình nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường.
Hai là, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong điều tra, quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và kết nối liền mạch hệ sinh thái vùng. Tập trung nghiên cứu cơ chế hiệu quả trong cung cấp dịch vụ môi trường rừng và tham gia thị trường tín chỉ các-bon quốc tế; nâng cao năng lực công nghệ trong dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành có lợi thế của vùng như nông sản, thực phẩm. Tập trung nghiên cứu giống cây trồng chất lượng cao, phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng của vùng, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến, liên kết cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
Bốn là, xây dựng cơ chế hợp tác tăng cường liên kết hoạt động khoa học và công nghệ của vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thành lập quỹ, sử dụng hiệu quả kinh phí của quỹ đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Năm là, tăng cường đầu tư, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Thiết lập nền tảng số hoặc hành lang kỹ thuật số giúp kết nối, tương tác giữa viện, trường, doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo địa phương và vùng.
Sáu là, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, tăng cường kết nối các sàn giao dịch công nghệ trong vùng với sàn quốc gia; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật tích hợp dùng chung về thị trường khoa học và công nghệ, từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế. Nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Bảy là, cơ cấu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng. Ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Thứ tư, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế chính thức
Một là, phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo; nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề cho người lao động thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục trọng điểm cấp vùng, khuyến khích và hỗ trợ cho người dân tham gia các khóa, chương trình bồi dưỡng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hai là, đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của các địa phương trong vùng, các chương trình dự án hỗ trợ việc làm, các chương trình hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giữ chân lao động chất lượng cao thông qua các chính sách ưu đãi và việc đầu tư, cải thiện các trung tâm dạy nghề, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ba là, từng bước đầu tư nâng cấp các trường đại học của vùng và tiểu vùng. Đẩy mạnh các chương trình liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quốc tế, các quỹ có quan tâm. Thiết lập các mối liên kết và hợp tác với các đơn vị quản lý khu công nghiệp và người sử dụng lao động trong và ngoài khu công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; hỗ trợ giúp các dịch vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu thực sự của các chủ lao động; đa dạng hóa các mô hình, hình thức, loại hình đào tạo, trình độ đào tạo nhằm thích ứng với nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực là đồng bào dân tộc, hướng đến phát triển bền vững vùng. Tổ chức xây dựng hệ thống giáo dục, nghiên cứu liên vùng nhằm khai thác những thế mạnh và đặc tính dân tộc của vùng, dựa trên yếu tố văn hóa và bản sắc nổi bật của cộng đồng dân tộc của vùng.
Năm là, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực bám sát với nhu cầu và định hướng phát triển của các vùng lân cận như vùng đồng bằng sông Hồng để bảo đảm phù hợp với định hướng chung của cả nước và tăng tính cạnh tranh cho vùng.
Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục nghề nghiệp bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có uy tín tham gia đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo nhân lực có chất lượng cao.
Thứ năm, giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
Một là, phát triển đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng để bảo vệ và kiểm soát chặt quỹ đất, nhất là đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng; cân bằng và chuyển hóa một phần quỹ đất nông nghiệp hiện có trong đô thị sang đất xây dựng để đáp ứng tiêu chí phát triển đô thị và nhu cầu tăng trưởng kinh tế cho xã hội.
Hai là, kiểm soát xây dựng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xây dựng thông qua cách tiếp cận tổng thể, đa ngành tại các cấp để tránh rủi ro trong phát triển.
Ba là, bảo tồn, phát huy các mô hình định cư nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ, phát triển rừng phù hợp với điều kiện từng địa phương. Hỗ trợ định canh, định cư thông qua phát triển việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần giảm di dân tự do.
Bốn là, trong quá trình phát triển, cần xác định dự án kinh tế trọng điểm để tạo nền tảng thu hút dân cư, đồng thời tăng cường mối giao thương với các điểm dân cư khác và kết nối thuận lợi với các trung tâm xã và cụm xã lân cận.
Thứ sáu, giải pháp về tổ thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
Một là, việc thực hiện quy hoạch cần được thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, quản lý tài chính, các cơ chế, chính sách đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Hai là, hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và thúc đẩy liên kết và phát triển bền vững vùng. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch và chương trình hành động, huy động nguồn lực để bảo đảm việc thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch định kỳ 05 năm, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu cho phù hợp với tình hình mới.
Ba là, tổ chức nghiên cứu, bảo đảm tính thống nhất trong đầu tư phát triển theo các tiểu vùng, xây dựng đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù đối với vùng.
Bốn là, hoàn thiện và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2024 phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
PV