Một là, tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội. Phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông trong việc phổ biến, giáo dục, trang bị kiến thức, khơi nguồn cảm hứng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Hai là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, khắc phục tình trạng tham nhũng, hối lộ, tiêu cực, cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, chính xác, bám sát thực tiễn, đảm bảo công bằng, nghiêm minh trong thực thi pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm, biểu hiện sai trái về đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái, an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên...
Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Dẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp; xây dựng và phát triển mô hình “vườn ươm doanh nhân”, “hãng ươm tạo doanh nghiệp”.
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của các doanh nghiệp trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững. Nêu cao vai trò đầu tàu, dẫn dắt của lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là trong thực hành các giá trị văn hóa cốt lõi, tạo dựng niềm tin và nguồn cảm hứng cho cấp dưới, nhân viên. Phát huy ý thức tự giác và nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhân viên.
Bốn là, tăng cường vai trò của dư luận xã hội trong định hướng, điều tiết hành vi ứng xử của giới kinh doanh, lan truyền hệ giá trị của văn hóa doanh nghiệp, giám sát, điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp. Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách; góp ý phản biện trong công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp các kiến thức, thông tin cho doanh nghiệp về kinh tế, pháp luật, kinh nghiệm xây dựng văn hóa kinh doanh.
Văn hóa doanh nghiệp là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh, là cái mà các chủ thể kinh doanh áp dụng hoặc tạo ra trong quá trình hình thành nên những nền tảng có tính ổn định và đặc thù trong hoạt động kinh doanh của họ./.
QM