Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho sự phát triển của văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa gia đình nói riêng. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động tiêu cực tới các giá trị văn hóa gia đình. Để xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh mới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, gắn liền với việc tiếp thu những giá trị văn hóa gia đình tiên tiến của xã hội hiện đại.
Thứ hai, phát huy vai trò quan trọng của Nhà nước trong điều tiết các mối quan hệ gia đình. Hoàn thiện chính sách về gia đình để phát huy được các giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, đồng thời thúc đẩy việc hình thành những giá trị, văn hóa gia đình hiện đại, chống lại sự đứt đoạn về văn hóa trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại. Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thể hệ trẻ. Tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; thực hiện nghiêm chính sách và pháp luật về dân số, duy trì mức sinh hợp lý, quy mô gia đình ít con.
Thứ ba, chú trọng chức năng giáo dục của gia đình đối với từng thành viên, cả về đạo đức, lối sống, nhân cách, kết hợp giữa truyền thống đạo đức, gia phong và văn hoá ứng xử trong gia đình với xây dựng các giá trị mới một cách mềm dẻo, linh hoạt. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm lo việc học tập và sự trưởng thành lành mạnh của con cả về thể chất và tinh thần nhằm tạo lập và phát triển nhân cách của con người, như: đạo đức, lối sống, ứng xử, tri thức khoa học, lao động, học tập, dám dấn thân vì sự nghiệp chung của đất nước…
Thứ tư, ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội và tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cho công tác gia đình hiện nay, cần phải coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững.
Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, chính là sự vững mạnh từ bên trong của mỗi gia đình. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội chính là gia đình./.
Quang Minh