Thị trường bất động sản có tác động lan tỏa đến sự phát triển của hơn 40 ngành nghề và nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…, thậm chí cả nông nghiệp với việc cung ứng các loại cây kiểng, cỏ công trình. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi thị trường bất động sản ngưng trệ đã kéo hàng loạt các hoạt động kinh tế bị đình trệ theo. Doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu đã phải kêu cứu lên Chính phủ vì không có việc làm, bán không được sản phẩm. Các ngân hàng “mắc kẹt” trong các hợp đồng bảo lãnh cho vay đầu tư, mua bán nhà, đất…
Đây là hậu quả của một loạt bất cập trong chính nội tại của thị trường bất động sản. Trước hết là hành lang pháp lý chồng chéo, tạo kẽ hở cho nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây lãng phí nguồn lực xã hội và tài nguyên đất đai. Nhiều vụ “đại án” vừa bị cơ quan chức năng phanh phui đều có dính đến các dự án bất động sản là ví dụ điển hình. Thủ tục đầu tư rắc rối, kéo dài nhiều năm, làm chi phí thực hiện dự án “đội” lên nhiều lần, là một trong những nguyên nhân chính khiến giá bất động sản luôn neo ở mức cao, vượt khả năng chi trả của đại đa số người dân… Các bộ luật nêu trên với nhiều điểm, khoản mới và điều chỉnh mới được kỳ vọng sẽ cơ bản giải quyết được các bất cập của thị trường bất động sản, nên việc được đẩy sớm thời gian có hiệu lực đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Luật Đất đai 2024 đạt được 5 mục đích chính - cũng là 5 vấn đề chính cần giải quyết, đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách liên quan đến đất đai; Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất; Cân bằng lợi ích các chủ thể trong quan hệ đất đai; Phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, minh bạch; Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, chuyển đổi số, phát huy dân chủ, hạn chế khiếu kiện về đất đai…
Tương tự, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có nhiều quy định mới giải quyết được tồn tại cũ và tạo ra hướng phát triển mới tốt hơn. Đơn cử, Luật Nhà ở 2023 đưa ra nhiều tiêu chuẩn thiết kế, quản lý nhà cao hơn nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng sống cho người mua nhà; bổ sung đối tượng được đầu tư phát triển nhà ở xã hội cũng như đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội. Luật Kinh doanh bất động sản 2023 yêu cầu môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu giao dịch bất động sản phải qua sàn nhằm tăng tính minh bạch và hạn chế rủi ro cho khách hàng.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai còn “được” Nghị quyết 18/2022 “chốt” bằng một ý rất đắt giá. Đó là “tạo động lực đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, việc củng cố nội lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Giải phóng nguồn lực đất đai sẽ kéo theo sự khởi sắc của hàng chục ngành nghề khác liên quan như đã nêu ở trên, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Đây chính là một trong những nội lực quan trọng của nước ta lúc này.
Nguồn SGGP