Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh thì nền kinh tế nói chung cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nói riêng lại đang bị đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động... Một trong những nguyên nhân là do không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.
Người lao động vẫn chưa an cư
Tại buổi toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 3/11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng xã hội tại khu công nghiệp chưa mang tính đồng bộ; nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu. Nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp chưa được đầu tư như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám... Bởi “hầu hết các khu công nghiệp đều chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chú trọng lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động”, ông Hoàng Quang Phòng thông tin.
Trong khi đó, thực tiễn và lý luận đều cho thấy khi người lao động được quan tâm, bồi dưỡng và đời sống tinh thần, phúc lợi cũng như việc làm được đảm bảo thì họ mới cống hiến bền vững cho doanh nghiệp.
Ngược lại, người lao động làm việc với năng suất lao động hiệu quả, thực hiện tốt kỷ luật, nội quy lao động, nghĩa vụ lao động, làm việc với thái độ tích cực thì doanh nghiệp mới sản xuất kinh doanh có lãi. Từ đó có điều kiện quan tâm tới việc làm và đời sống người lao động. Đây là mối quan hệ mật thiết giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Nhưng không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại trong các khu công nghiệp, đó chính là sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như: phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc.
Mặt khác, sau gần 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khó khăn vì thiếu nhân lực, nhất là qua đợt bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam do càng ngày càng có nhiều người lao động trở về quê hương. “Điều này thể hiện người lao động vẫn chưa an cư. Trong khi đó, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động cũng là một nhân tố quyết định chất lượng của nguồn lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng”, Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ quan điểm.
Vậy giải pháp nào cần được đưa ra để phát triển hệ thống hạ tầng xã hội cho người lao động trong các khu công nghiệp, để họ thực sự được an cư lạc nghiệp trên chính mảnh đất đó?
Cần xây dựng chính sách đủ mạnh
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết, hiện nay phát triển các khu công nghiệp trở thành vùng động lực phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, bên cạnh định hướng thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn, song song với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, một vấn đề lớn cần giải quyết là hạ tầng an sinh cho công nhân khu công nghiệp mà cụ thể là nhà ở cho người lao động.
Theo ông Thọ, thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó xem xét, bổ sung một gói để thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân.
Tiếp đó sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê; trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn.
Cùng quan điểm, TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lưu ý nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Vì vậy, Chính phủ cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê tại những địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có sẵn quỹ đất xây dựng.
Ông Nhạc Phan Linh thông tin, vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Tờ trình số 46/TTr-TLĐ trình Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị thí điểm cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất một số giải pháp về nhà ở cho công nhân.
Trong đó, về nhóm giải pháp lâu dài, Tổng Liên đoàn đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Còn về giải pháp ngắn hạn, đại diện Tổng liên đoàn cho biết, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5-10 khu nhà ở cho công nhân thuê tạo ra 500.000m2 ÷1.000.000m2 sàn nhà ở đáp ứng cho khoảng 50.000 ÷100.000 công nhân được thuê nhà ở tại các địa phương đã được bố trí đất, với một số chính sách đặc thù./.
Theo VNeconomy