Giải thưởng Sách quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức là sự tiếp nối và mở rộng của Giải thưởng Sách Việt Nam được trao hàng năm cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cả nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư vẫn thu hút sự tham gia của 47/59 nhà xuất bản trên cả nước, với 284 bộ sách và tên sách, gồm 365 cuốn, nhiều hơn 29 bộ sách, tên sách và 3 cuốn sách so với giải thưởng lần thứ ba năm 2020.
Tham dự Lễ trao giải có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó thủ tướng; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, tác giả, nhóm tác giả; dịch giả, nhóm dịch giả; các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết xuất bản.
2 tác phẩm đoạt giải A năm nay là "Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người", tác giả Jared Diamond, người dịch: Trần Tiễn Cao Đăng, Nhà xuất Thế giới, đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Omega Việt Nam và “Chang hoang dã - Gấu”, tác giả và lời: Trang Nguyễn, tranh: Jeet Zdung, Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: VOV
Báo cáo tổng kết giải thưởng, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đánh giá các cuốn sách tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư có nội dung phong phú, tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự, đang được xã hội quan tâm.
Giải thưởng được chấm qua 3 vòng: Sơ khảo, Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia. Sách đoạt giải A phải qua phản biện kín. Ban tổ chức trao 2 giải A, 9 giải B, 13 giải C cho 5 mảng sách: Chính trị, kinh tế; Khoa học tự nhiên và công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi.
Nét nổi bật trong mùa giải lần này là mảng sách thiếu nhi, với giải A, 4 giải B, 2 giải C. Tuy số lượng không nhiều so với các mảng sách khác, thể loại khá phong phú, chất lượng được đánh giá cao hơn so với những năm trước. Điều này cho thấy mảng sách thiếu nhi có nhiều khởi sắc, được sự quan tâm của bạn đọc, các nhà xuất bản và công ty sách. Kết quả đó cũng cho thấy Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã giành nhiều sự quan tâm đến mảng sách thiếu nhi, thiết thực góp phần vào công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, việc làm cần thiết quan trọng để hướng tới tương lai tốt đẹp của nước nhà.
Giải B được trao cho 9 tác phẩm xuất sắc gồm "Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới", Bộ sách gồm hai cuốn: "Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam và Thánh Mẫu linh tiêm", "Nghệ thuật Huế", "Bài thơ của một người yêu nước mình", "Tinh hoa văn hóa xứ Thanh", "Lướt cùng Tí Địa lí", " Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy", "Dạy con tài chính" và "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya". Ảnh: VOV
Mảng sách chính trị cũng được nhiều đơn vị quan tâm, với những tác phẩm đảm bảo tính dẫn dắt nền tảng tư tưởng, cung cấp thông tin chính thống, khách quan, khoa học về tư tưởng, chính trị, do các tác giả, nhà khoa học, nhóm biên soạn, cơ quan có uy tín thực hiện. Tại nhóm này, giải cao nhất (giải B) được tặng cho tác phẩm "Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới" của nhóm tác giả: Trưởng Ban biên soạn PGS.TS Lê Văn Lợi, Ths Nguyễn Hồng Kỳ, người dịch: Nguyễn Mạnh Chương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; 02 tác phẩm đạt giải C là: "Con đường công nghiệp hóa trong thế kỷ XXI - Những thách thức mới và những mô hình nổi trội, tác giả: Adam Szirmai, Wim Naudé và Ludovico Alcorta (biên soạn), biên dịch: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Đoan Trang, Nguyễn Xuân Điền, Nguyễn Linh Phương, hiệu đính: Nguyễn Văn Phúc, Vũ Thị Lanh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và "Nhà nước thế tục", tác giả: Đỗ Quang Hưng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Phát biểu tổng kết cuộc thi, Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất luận làm việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…”.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, dịch giả và các đơn vị xuất bản, phát hành sách đã đoạt Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư; đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và những người làm công tác xuất bản đã chung tay để tổ chức thành công giải thưởng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ trao giải. Ảnh: VOV
Để triển khai hiệu quả công tác xuất bản trong thời gian tới, đồng thời để Giải thưởng Sách quốc gia tiếp tục lan tỏa mạnh, trở thành một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ, đóng góp quan trọng vào đời sống chính trị văn hóa, tư tưởng của đất nước, ngành xuất bản tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả, đảm bảo hoạt động đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kịp thời giải quyết khó khăn và tạo động lực phát triển ngành xuất bản.
Phát huy tính chủ động, đẩy mạnh xuất bản các mảng sách quan trọng như: tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia, khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, đoàn kết, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Khơi dậy lòng yêu nước, ý chí và giấc mơ phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận gần nhất với tri thức.
Bên cạnh các hình thức xuất bản truyền thống, cần phát huy tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, tăng cường xuất bản phẩm điện tử, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài. Phổ biến xuất bản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, nâng tầm giải cả về quy mô, chất lượng, đưa giải thưởng trở thành một thước đo về hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng của công tác xuất bản, đưa sách đến với nhân dân, xuống các cơ sở nhanh nhất, nhiều nhất để góp phần nâng cao nhận thức, hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ./.
Quang Minh (tổng hợp từ Zingnews, VOV)