Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023. Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Với đề xuất này, việc giảm thuế VAT sẽ áp dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, khắc phục những khó khăn khi thực hiện chính sách trước đây.
Theo quy định cũ, việc giảm thuế đã loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã áp dụng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Đề xuất này đưa ra đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân và DN. Người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách do áp dụng giảm thuế VAT sẽ làm giảm giá bán, giảm chi phí trực tiếp trong tiêu dùng hàng hóa. DN sẽ được giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp tăng khả năng phục hồi, đóng góp trở lại cho ngân sách.
Chính sách này cũng nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia. Bởi, khác với các chính sách hỗ trợ khác chủ yếu dành cho DN, việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích cho cả DN và người dân, qua đó kích thích tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế. Hơn thế nữa, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Trước đó, chính sách cũng đã khẳng định được hiệu quả thực tiễn. Trong năm 2022, giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 khoảng 38.900 tỷ đồng. Giải pháp này được các DN đánh giá cao vì có hiệu quả trực tiếp, thiết thực.
Dù hoan nghênh việc giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng nhưng nhiều DN, chuyên gia cho rằng, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT chỉ trong 6 tháng là quá ngắn, chưa giúp tác động nhiều đến nền kinh tế. Vì độ trễ của chính sách, vì vậy, nếu được Quốc hội chấp thuận thì sẽ ban hành Nghị quyết và áp dụng sớm nhất là từ tháng 6 hoặc tháng 7. Để chính sách này phát huy tối đa hiệu quả, không chỉ là một giải pháp tình thế, thời gian giảm thuế VAT 2% cần sớm được thông qua và kéo dài hơn nữa.
Theo Kinh tế và Đô thị