Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục, mang lại nhiều cơ hội mới cho giáo dục trong hoạt động dạy học, hoạt động học tập và quản lý giáo dục. Chuyển đổi số cung cấp những công cụ số hỗ trợ đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu; tạo cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời.
Đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu. Ảnh minh họa: Internet
Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giảng viên tự động hóa một số nhiệm vụ để có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động giảng dạy và hỗ trợ người học. AI có thể giúp giảng viên viên cá nhân hóa học tập thông qua việc tạo ra các bài giảng và hoạt động học tập phù hợp với nhu cầu của từng người học. Đồng thời, thông qua vệc phân tích dữ liệu học tập, giảng viên có thể tự đánh giá hiệu quả giảng dạy và đưa ra các điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời với những thuận lợi, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn cho giảng viên.
Trước hết là sự “thay đổi” vai trò của giảng viên, không còn chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê học tập cho sinh viên; là người hỗ trợ, định hướng sinh viên phát triển toàn diện, phát huy tối đa năng lực học tập để đạt mục tiêu phát triển bản thân xuất sắc và cống hiến tài năng của mình cho gia đình và xã hội.
Điều này đòi hỏi giảng viên cần có khả năng sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng và hoạt động học tập đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng người học. Trong vai trò là người hỗ trợ người học học tập, giáo viên có thể sử dụng công nghệ để theo dõi, đánh giá tiến độ học tập của người học và cung cấp hỗ trợ kịp thời khi người học cần. Trong vai trò là người định hướng và phát triển năng lực của người học, giáo viên có thể sử dụng công nghệ để phát hiện và bồi dưỡng năng lực của người học một cách toàn diện, hiệu quả.
Bằng cách dạy và hướng dẫn theo phương pháp khuyến khích sự nghiên cứu, tò mò và khả năng tự giải quyết vấn đề, giảng viên giúp sinh viên tự tin thể hiện đam mê và ý tưởng sáng tạo của mình. Không chỉ dừng lại ở việc truyền đạy kiến thức, giảng viên còn hỗ trợ sinh viên triển kỹ năng và năng lực cần thiết để thực hiện đam mê của mình, bao gồm cả hướng dẫn về công nghệ, kỹ năng giao tiếp và quản lý thời gian, cùng việc khích lệ việc học tập suốt đời. Thêm vào đó, giảng viên có vai trò như một người hướng dẫn và mentor, cung cấp sự hỗ trợ, lời khuyên và kinh nghiệm để giúp sinh viên phát triển đam mê và tự tin trong việc theo đuổi nó.
Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận
Ở một khía cạnh khác, sự phát triển của công nghệ, các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo và các khóa học trực tuyến ngày càng trở nên phong phú và đa dạng đặt ra thách thức cho giảng viên trong việc “giữ chân” người học. Các nguồn học liệu trực tuyến thường có nhiều ưu điểm so với học liệu truyền thống ở tính thuận tiện, tính linh hoạt, tính tương tác và chi phí thấp. Điều này đòi hỏi giảng viên phải không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, không ngừng cập nhật kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của công việc, từ kiến thức chuyên môn, kiến thức về công nghệ giáo dục, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng sử dụng công nghệ....
Giảng viên cần thường xuyên, liên tục học tập và cập nhật kiến thức chuyên ngành, liên ngành thông qua các khóa đào tạo, hội thảo, nghiên cứu và các chương trình học trực tuyến, sử dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến. Tăng cường sử dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy như phần mềm học tập trực tuyến, video, diễn đàn trực tuyến…. để tạo ra môi trường học tập linh hoạt và thú vị; tận dụng các nền tảng học trực tuyến để tạo các bài giảng tương tác, bài kiểm tra trực tuyến và tương tác với sinh viên. Xây dựng môi trường học tập tích cực thông qua các hoạt động học tập thú vị và thử thách đòi hỏi sự sáng tạo, kỹ năng và kiến thức của sinh viên. Trên cơ sở theo dõi và đánh giá tiến độ học tập của sinh viên, giảng viên cung cấp hỗ trợ cá nhân hóa theo nhu cầu và khả năng của từng sinh viên thông qua tương tác cá nhân hoặc theo nhóm.
Vai trò của giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn mở rộng ra việc tạo điều kiện để sinh viên phát triển năng lực và nhân cách sống thông qua sự kết hợp giữa công nghệ và phương pháp giảng dạy sáng tạo. Điều quan trọng hơn, giảng viên là người truyền cảm hứng cho sinh viên để sinh viên trưởng thành. Nếu chỉ giảng dạy kiến thức, giảng viên sẽ dần dần mất vai trò khi công nghệ 4.0 phát triển và sinh viên tự đào tạo tốt nhất. Nhưng điều mà máy móc, công nghệ không thể thay thế được là vai trò truyền cảm hứng và tình thầy – trò đầy cao quý./.
Tuyết Minh