Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Văn hóa và giáo dục giao thoa từ xa xưa đến nay và mãi sau này. Chính sự giao thoa và tương tác giữa văn hóa - giáo dục là động lực thúc đẩy cho xã hội loài người phát triển.
Có nhiều định nghĩa về văn hóa, nhưng cốt lõi của văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra được giữ gìn phát huy, làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển trong suốt quá trình tiến hóa của lịch sử loài người.
Giáo dục đảm đương vai trò truyền bá những kiến thức, những giá trị văn hóa cho các thế hệ. Có thể nói giáo dục chính là quá trình “trao truyền văn hóa” của mỗi quốc gia, dân tộc và của nhân loại.
Con người là chủ thể sáng tạo ra, đồng thời cũng là sản phẩm của văn hóa.
Chính vì vậy mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Cho nên để giữ gìn và phát triển, để “soi đường” thì văn hóa cần phải có giáo dục, văn hóa là mục đích và nội dung của giáo dục.
Mỗi quốc gia, dân tộc muốn giữ gìn và phát triển văn hóa phải thông qua giáo dục. Như vậy rõ ràng giáo dục là cái gốc cho sự trường tồn của văn hóa, chủ thể của giáo dục là chấn hưng văn hóa, là “vun trồng văn hóa”, cũng là chấn hưng giá trị của con người, của cộng đồng, của dân tộc.
Giáo dục là một phương thức để bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa qua các thời đại.
Giáo dục phát triển cùng với xã hội, trở thành một chức năng không thể thiếu được trong đời sống gia đình, xã hội và không bao giờ mất đi ở mọi giai đoạn phát triển của dòng chảy lịch sử.
Giáo dục vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Giáo dục đảm nhận vai trò đào tạo nhân lực, tái sản xuất ra lực lượng lao động mới để tiếp nối và thúc đẩy xã hội phát triển về mọi mặt.
Giáo dục không bao giờ bằng lòng với cái gì sẵn có mà luôn tìm tòi, sáng tạo vượt lên văn hóa hiện tại để vươn tới văn minh nhân loại.
Chức năng của giáo dục là truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn cách tạo ra các giá trị mới, nhằm để con người sinh tồn và phát triển phù hợp với môi trường sống hướng tới những điều tốt đẹp, bài trừ các tệ nạn, các hủ tục trong quá trình bảo tồn giống nòi và giá trị cộng đồng, dân tộc.
Cho nên, văn hóa và giáo dục đều có chiều sâu, cùng mang tính nhân sinh một cách có hệ thống và cùng trường tồn với dân tộc với nhân loại.
Đó là mối quan hệ biện chứng lịch sử thể hiện sự đồng hành mật thiết giữa văn hóa và giáo dục, vừa có cái chung bao quát toàn diện vừa có cái riêng trong từng giai đoạn lịch sử của mỗi nhóm cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc.
Thực tiễn đã chứng minh dân tộc nào biết quan tâm đến giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống thì dân tộc đó bảo vệ được nền độc lập của dân tộc. Đất nước ta có được cơ đồ như ngày nay chính là nhờ có được điều đó.
Thực hiện sự nghiệp đổi mới với khát vọng phát triển hùng cường thịnh vượng, thì lại cần phải xem giáo dục là quốc sách hàng đầu và phải tiến hành “đổi mới căn bản giáo dục” cho phù hợp.
Để chấn hưng văn hóa thì phải “chấn hưng con người” vì con người là hiện thân của văn hóa quốc gia, con người ấy phải được giáo dục trong môi trường văn hóa lành mạnh.
Môi trường mà người học được tôn trọng, được đối xử công bằng, bình đẳng, nhân ái và dân chủ, được phát huy năng lực sáng tạo để phát triển tư duy sống động phù hợp lứa tuổi với kiến thức, kỷ năng và phẩm chất cần thiết để bước vào đời góp phần tạo lập nên những giá trị mới của văn hóa cho cộng đồng và xã hội.
Giáo dục trong môi trường văn hóa với mối quan hệ mật thiết giữa gia đình, xã hội và nhà trường, trong đó nhà trường là trung tâm cho nên cần quan tâm đến môi trường văn hóa học đường, ở đó phải như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn dặn: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” để đào tạo ra những con người phát triển toàn diện, “con người Xã hội chủ nghĩa để xây dựng Chủ nghĩa xã hội” như Bác Hồ đã chỉ ra.
Các thành viên trong nhà trường mà trung tâm là thầy cô giáo ứng xử với nhau với quy tắc văn hóa giữa người dạy và người học, trong hoạt động dạy và học; trong quan hệ cá nhân, cộng đồng và xã hội thông qua thái độ và trách nhiệm đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Quá trình giáo dục luôn có sự đổi mới và phát triển cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và biến động của xã hội.
Trong quá trình đổi mới cần quan tâm đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chân, thiện, mỹ; giáo dục nhân cách, phẩm chất, truyền thống “tôn sư trọng đạo”; đến phong tục tập quán của địa phương, của cộng đồng với những nét văn hóa đặc thù để kế thừa và phát huy.
Thực tế chứng minh ở đâu quan tâm đến giáo dục thì ở đó sẽ phát huy được truyền thống và nét đẹp văn hóa.
Trước sự giao thoa giữa môi trường nhà trường với môi trường xã hội và trong bối cảnh hội nhập với nhiều kênh thông tin đa chiều, nhất là trên mạng xã hội thì hơn ai hết, nhà trường phải luôn quan tâm đến xây dựng và phát huy môi trường văn hóa học đường. Với chức năng cao cả của giáo dục là “bảo tồn, phát huy, vun trồng những giá trị và truyền thống văn hóa, hồn cốt của dân tộc".
Đăng Duy Báu (Theo Giáo dục và Thời đại