Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được đặt ra như một yêu cầu sống còn của nền văn hóa. Ảnh minh họa: Tổ quốc
Hội nhập chứ không hòa tan
Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX và những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, thế giới đang chứng kiến những sự kiện trọng đại. Xu hướng chuyển từ đối đầu sang đối thoại và sự hình thành các tổ chức, các liên minh chính trị, kinh tế quốc tế lớn đã và đang tạo ra những cơ hội thuận lợi để các quốc gia mở cửa và hội nhập, tăng cường quan hệ giao lưu và hợp tác quốc tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về sự phát triển, gắn kết sức mạnh của các quốc gia trước nhiệm vụ giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như: vấn đề tài nguyên và môi trường, vấn đề sắc tộc và tôn giáo, vấn đề chống khủng bố, vấn đề chống đói nghèo và bệnh tật...
Trong xu hướng này, các quốc gia không chỉ tận dụng được các lợi thế quốc tế để phát triển kinh tế mà còn tận dụng được cơ hội giao lưu để giới thiệu, phát huy các ảnh hưởng về văn hóa và văn học của dân tộc mình đến các dân tộc khác và ngược lại, giúp cho việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Ngay từ năm 1957, khi diễn thuyết về Sứ mệnh của văn nghệ hiện đại tại giảng đường Đại học Upsal Thụy Điển, A.Camus đã xác nhận chúng ta đang sống trong một thời đại mà "nó không chịu cho phép chúng ta không chú ý đến nó"; một thời đại đang buộc "chúng ta xúc cảm như nhau trước những điều cùng trông thấy và trong những cảnh ngộ cùng phải chịu đựng". Thời đại đó không chỉ là thời đại thăng trầm của lịch sử quân sự, chính trị, kinh tế đang diễn ra trước mắt toàn nhân loại, mà như một tất yếu, còn là thời đại thăng trầm của mỗi nền văn hóa và văn học đang không ngừng vận động và biến chuyển theo những quy luật chung và số phận riêng của nó.
Nhưng cũng chính trong quá trình đó đang tiềm ẩn nguy cơ làm nhòe mờ các đường biên văn hóa, xáo trộn các giá trị tinh thần thuần khiết của mỗi dân tộc. Nhu cầu đối thoại giữa các nền văn hóa đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Điều đó có nghĩa là quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế vừa tạo ra thời cơ, vừa tạo ra các thách thức cho mỗi nền văn hóa và văn học của các dân tộc.
Đây không chỉ là kết quả của quá trình phát triển, của tiến bộ khoa học và kỹ thuật mà còn là kết quả của quá trình nhận thức các giá trị, nhận thức các kinh nghiệm lịch sử được đúc rút từ thực tiễn văn học và văn hóa thế giới.
Có thể nói, chính xu thế hội nhập và mở cửa diễn ra trên phạm vi toàn cầu trong thập kỷ qua đã tạo ra những tiền đề, những cơ hội để các quốc gia có những nền văn hóa khác nhau, ở những khu vực khác nhau của thế giới thực hiện được các cuộc giao lưu, mang nền văn hóa đặc sắc của dân tộc này đến với các dân tộc khác. Và ngược lại, cũng chính trong quá trình giao lưu đó, văn hóa mỗi nước có dịp được trao đổi, chọn lọc, tiếp thu những giá trị mới, tích cực, tiến bộ từ các nước khác để làm phong phú, đa dạng thêm cho nền văn hóa nước mình. Quá trình đó sẽ dẫn các quốc gia đến chỗ gặp gỡ nhau ở những giá trị nhân bản, chân chính với tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu dân tộc và hiện đại.
Nhưng thực tế cho thấy quá trình hội nhập còn làm nảy sinh những nghịch lý ở chỗ nó không chỉ tạo ra cho sự phát triển văn hóa mỗi nước những thời cơ thuận lợi mà còn ẩn chứa ngay trong nó những nguy cơ lớn. Một trong số những nguy cơ đó chính là sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa mới lạ từ bên ngoài vào; sự hòa tan bản sắc riêng độc đáo vốn có của mỗi nền văn hóa thành một sản phẩm lai tạp, hỗn loạn, không còn có cơ sở để nhận diện, mất đi những yếu tố làm nên căn cước văn hóa của mỗi dân tộc.
Do nhận thức rõ tính tất yếu và tính hai mặt của quá trình hội nhập nên Đảng ta đã kịp thời ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa trong thời kỳ đổi mới vừa qua cho thấy ý thức chủ động, tích cực của chúng ta trong quá trình giao lưu và hội nhập. Chúng ta đã tận dụng được khá nhiều cơ hội thuận lợi để giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của dân tộc ta với nhiều nước khác nhau trên thế giới và ngược lại. Đồng thời, bằng sự trợ giúp của các phương tiện thông tin, của khoa học và công nghệ, của các phương tiện vật chất và kỹ thuật, trình độ sáng tạo cũng như trình độ hưởng thụ văn hóa của chúng ta đã tiến những bước dài trên con đường hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Nhìn lại các lĩnh vực văn hóa như: âm nhạc, điện ảnh, thời trang, phát thanh - truyền hình, sách báo, các ấn phẩm văn hóa và những phương tiện kỹ thuật làm nền tảng cho nó, có thể dễ dàng nhận thấy chúng ta đã đạt đến một mặt bằng văn hóa khá khả quan so với thế giới.
Song, cũng chính ở những lĩnh vực này, chúng ta bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu thiên về du nhập hơn là hội nhập. Xung quanh các hiện tượng này còn có rất nhiều vấn đề đặt ra cho những người quản lý văn hóa.
Truyền thống nghệ thuật dân tộc không được bảo lưu và phát huy thì hậu quả đương nhiên sẽ là một sự nghèo nàn về tinh thần, một sự mất gốc về văn hóa. Ảnh minh họa: Tổ quốc
PGS.TS Phan Trọng Thưởng chỉ ra một số ví dụ như trên lĩnh vực âm nhạc, sự thịnh hành của các loại hình âm nhạc giải trí đang làm cho cả một thế hệ nhạc sĩ và ca sĩ lên ngôi; kèm theo đó là cả một thế hệ thính giả chìm đắm trong những giai điệu, những lời ca thiếu sức truyền cảm, xao lãng những ca khúc truyền thống mạnh mẽ và hào hùng, trữ tình và lãng mạn từng tạo nên nhiệt huyết công dân, tạo nên tình yêu cao cả đối với Tổ quốc, quê hương.
Thực ra, việc thuộc tên một ngôi sao nhạc nhẹ nước ngoài, thuộc những bài hát hay của thế giới đang thịnh hành thì không những không có hại mà còn có lợi ở chỗ được mở mang tầm nhìn, tầm hiểu biết, được chia sẻ với bạn bè quốc tế những xúc cảm mạnh mẽ, những niềm vui, nỗi buồn thánh thiện do âm nhạc đem lại. Có thể xem đó là kiến thức, là cái "phông" văn hóa cần thiết của mỗi người, nhất là đối với các bạn trẻ. Nhưng nếu chỉ chạy theo nhạc nước ngoài như một "mốt" thời thượng, không cần hoặc không biết đến những giá trị âm nhạc trong sáng của dân tộc, thậm chí coi thường nó thì lại hoàn toàn không đúng. Có thể xem đó là sự "què quặt" của thị hiếu âm nhạc.
Ở nghệ thuật sân khấu còn nguy hại hơn khi phần lớn thế hệ thanh thiếu niên hiện nay quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, coi đó là cổ hủ, lỗi thời. Họ như không còn khả năng cảm nhận được cái hay của những làn điệu dân ca, những làn điệu chèo thấm đượm hồn phách dân tộc. Họ có biết đâu rằng phải đạt đến một bản lĩnh văn hóa nào đó, một trình độ văn hóa nào đó mới có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp ẩn chứa trong mỗi làn điệu. Càng nguy hại hơn khi một số đoàn nghệ thuật, một số nghệ sĩ được một số phương tiện thông tin đại chúng vô tình hay hữu ý tiếp sức đã nhân danh đổi mới để cải biến nghệ thuật dân tộc thành một thứ nghệ thuật lai căng, chiều nịnh những thị hiếu thấp kém, làm mai một truyền thống nghệ thuật, truyền thống văn hóa đẹp đẽ của cha ông.
"Chúng ta không chủ trương áp đặt về mặt sở thích, tôn trọng thiên tư của mỗi cá nhân, nhưng với điều kiện không làm phương hại đến các giá trị. Hơn nữa, thị hiếu nghệ thuật lành mạnh chỉ có thể được hình thành thông qua môi trường giáo dục chứ không thể tự phát, a dua hoặc bắt chước. Trong tình hình trên, nếu thị hiếu âm nhạc không được giáo dục; truyền thống nghệ thuật dân tộc không được bảo lưu và phát huy thì hậu quả đương nhiên sẽ là một sự nghèo nàn về tinh thần, một sự mất gốc về văn hóa, còn nói gì đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc nữa"- PGS.TS Phan Trọng Thưởng nhận định.
Trên phương diện lối sống, do ảnh hưởng của những triết lý sống thực dụng, tâm lý hưởng thụ cá nhân, nhiều thanh thiếu niên đã sa ngã vào các tệ nạn xã hội, hủy hoại nhân cách, làm vẩn đục cuộc sống, vẩn đục môi trường xã hội-đạo đức của chúng ta. Đặc biệt là vấn đề tín ngưỡng hiện nay đang có xu hướng bị lạm dụng và tự phát. Bên cạnh việc khôi phục lại những di tích lịch sử, những phong tục tập quán, những lễ hội truyền thống tốt đẹp, ở không ít địa phương, nhiều hủ tục đã có nguy cơ phục hồi. Lợi dụng tự do tín ngưỡng và tâm linh, nhiều kẻ xấu đã hành nghề mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân dân lao động.
Từ khi mạng internet được đưa vào khai thác và sử dụng phổ biến ở Việt Nam, bên cạnh những ưu việt hiển nhiên do nó mang lại cũng còn không ít những điều mà thực tế cho thấy là đã trở thành nỗi lo chung của toàn nhân loại. Đó là những thông tin không dễ dàng kiểm soát, có thể gây tác hại ở những mức độ khác nhau cho người sử dụng.
Cần những đối sách kịp thời
Tất cả những hiện tượng trên đây có thể xem là những biểu hiện tiêu cực, những mặt trái nảy sinh trong quá trình giao lưu và hội nhập. Tuy chúng ta đã chủ động nhìn nhận trước, chủ động đối mặt với những khó khăn và thách thức đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng dẫu sao đó vẫn là những hiện tượng đáng lo ngại, đòi hỏi toàn xã hội, trước hết là ngành Văn hóa phải có đối sách kịp thời.
Về nguyên tắc, cần phân biệt sự khác nhau giữa hội nhập và mở cửa ở lĩnh vực kinh tế với hội nhập và mở cửa ở lĩnh vực văn hóa. Bởi vì văn hóa là một lĩnh vực đặc thù. Trong khi phân biệt hai lĩnh vực này, đương nhiên thái độ cần tránh là bảo thủ, tự tôn hoặc tự ti quá mức hoặc thiếu hiểu biết về cả hai lĩnh vực. Còn thái độ cần có là thái độ bình tĩnh khoa học để gạt bỏ những yếu tố tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực trong quá trình hội nhập và giao lưu cũng như trong quá trình phát triển
Để đạt được mục tiêu xây dựng nền văn hóa theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, vấn đề trau dồi bản lĩnh văn hóa cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng là vô cùng cần thiết. Nó phải được coi là điều kiện, là tiền đề cho sự giao lưu và phát triển.
Thiếu bản lĩnh văn hóa thì nguy cơ sẽ lấn át thời cơ, những giá trị đích thực sẽ không được phát hiện và nuôi dưỡng trong khi những mầm mống tiêu cực lại tự do lây lan, tự do nảy nở mà không được kiềm chế.
Kinh nghiệm lịch sử của nước ta cho thấy trong giao lưu văn hóa, dù dưới hình thức áp đặt hay tự nguyện, khi ý thức dân tộc được đề cao thì việc tiếp thu hay loại bỏ một yếu tố nào đó bao giờ cũng được thực hiện trên tinh thần vì lợi ích dân tộc. Vì vậy, đối với những biểu hiện xốc nổi trong các ứng xử văn hóa hiện nay, nếu chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính thì hiệu quả có thể nhanh nhưng không cơ bản và lâu dài. Vấn đề là ở chỗ áp dụng giải pháp giáo dục nào để đạt được hiệu quả mong muốn trong ý thức văn hóa của mỗi người. Đó chính là cách tạo ra và bảo vệ các giá trị văn hóa bằng chính văn hóa.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng khẳng định, từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và văn học, nghệ thuật. Thành tựu đó được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng được biết đến là tinh thần chủ động hội nhập, tang cường giao lưu, hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh đó, văn hóa Việt Nam tự cho thấy là một thực thể năng động vừa hướng tới giá trị dân tộc bền vững, vừa hướng tới các giá trị quốc tế và khu vực có tính phổ biến để xác định nguyên lý cho sự phát triển.
Trong lịch sử phát triển của mình, các bộ môn nghệ thuật này vừa được sáng tạo theo ý thức văn hóa với các đặc trưng, đặc thù riêng, vừa được thừa hưởng những giá trị văn học độc đáo, coi đó như một nguồn cảm hứng, một miền đất hứa của sáng tạo nghệ thuật. Hiện đang có không ít những giá trị văn học của dân tộc này được các dân tộc khác biết đến và lĩnh hội thông qua các tác phẩm sân khấu và điện ảnh chuyển thể và dàn dựng từ tác phẩm văn học. Trong các trường hợp đó, hiệu ứng giao lưu văn học được khuếch đại lên nhiều lần.
Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, khi quá trình hội nhập quốc tế diễn ra như một xu thế không thể đảo ngược, một mặt nó chi phối sâu sắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, văn học, nghệ thuật ở các quốc gia, các khu vực của thế giới; mặt khác, nó dẫn đến nguy cơ rạn vỡ, tan biến của những nền văn hóa thiếu bản lĩnh... thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được đặt ra như một yêu cầu sống còn của nền văn hóa. Dường như sau nhiều thế kỷ nỗ lực để hội nhập, đến lúc này các quốc gia mới thức tỉnh để nhận biết nguy cơ bị hòa tan về văn hóa.
Mặc dù cho đến nay, trước các câu hỏi: Có hay không có văn hóa toàn cầu? Có hay không có toàn cầu hóa văn hóa?... vẫn đang còn nhiều cách lý giải khác nhau xuất phát từ thực tế ở mỗi quốc gia và mỗi nền văn hóa vẫn luôn luôn được các nhà nghiên cứu ở các quốc gia quan tâm lý giải. Tuy trong văn hóa nhân loại có những hằng số chung, những giá trị chung, nhưng nó sẽ trở nên đơn điệu và nghèo nàn khi mất đi dấu ấn của mỗi nền văn hóa riêng biệt.
Trong các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCO.. luôn có những chỉ số và cảnh báo các nguy cơ về văn hóa. Nhất là từ sau khi cuốn sách nổi tiếng Sự va chạm giữa các nền văn minh của tác giả Mỹ S. Huntington ra đời, gây nên những phản ứng khác nhau từ nhiều phía thì giới nghiên cứu văn hóa và chính trị hiện đại càng quan tâm nhiều hơn đến những diễn biến tư tưởng chính trị có nguồn gốc từ văn hóa đang diễn ra tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Qua trao đổi, tranh luận có thế thấy thái độ dân tộc cực đoan và thái độ cực đoan văn hóa đã được dành cho một sự phê phán thỏa đáng cũng giống như thái độ sô-vanh văn hóa từng xuất hiện ở một số nơi trên thế giới vào các hoàn cảnh nhất định.
Trong một bối cảnh quốc tế như vậy, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở Việt Nam được đặc biệt quan tâm. Vốn là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng độc đáo, làm thế nào để vừa giữ gìn, phát huy được sắc thái văn hóa riêng của từng dân tộc, vừa đạt được sự thống nhất hài hòa trong tổng thể văn hóa chung của quốc gia là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, đòi hỏi không chỉ trình độ nhận thức lý luận, trình độ am hiểu văn hóa mà còn đòi hỏi khả năng quản lý và hoạt động thực tiễn cao./.
Theo Tổ quốc