Thời xưa, các vị quan thanh liêm được đấng minh quân cử đi diệt trừ phường tham quan ô lại luôn gắn liền với biểu tượng thanh thượng phương bảo kiếm. Ngày nay, lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát đảng, thanh tra, kiểm toán cũng được xem như là thanh gươm bảo vệ sự trong sạch của đội ngũ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trước tệ nạn tham nhũng, tiêu cực vốn đã được xác định là giặc nội xâm.
Nhưng càng được trao quyền lực lớn bao nhiêu, nguy cơ lạm dụng quyền lực lại tăng theo bấy nhiêu. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tiêu cực, lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán lại càng phải đi đầu trong việc giữ gìn sự thanh liêm ở chính đơn vị, cá nhân mình.
Hơn thế nữa, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát đảng, thanh tra, kiểm toán còn là để phòng ngừa những sai phạm từ sớm, từ xa. Cho nên nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong công tác này, những sai phạm sẽ có cơ hội phát triển với mức độ và quy mô ngày càng lớn, tác động đến sự phát triển của đất nước nghiêm trọng hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, chúng ta không muốn xử lý cán bộ của mình nhưng buộc phải làm. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán mà làm tốt, chúng ta sẽ giảm thiểu được những lần “không mong muốn” đó.
Quy định 131 ra đời có thể xem như chiếc vỏ bọc quan trọng giúp cho thanh thượng phương bảo kiếm luôn sáng không tì vết. Trong đó, Quy định 131 đã định nghĩa rất rõ: Tham nhũng trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc người có thẩm quyền lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác. Tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán là hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến việc làm không đúng với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán.
Trên thực tế, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán vẫn đã xảy ra và bị xử lý nghiêm minh. Trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành đã từng tiến hành thanh tra ngân hàng SCB. Trong đó, trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đại diện cơ quan điều tra cho biết: Sau khi thanh tra, đoàn thanh tra liên ngành đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền không trung thực dẫn đến việc giám sát ngân hàng SCB không đầy đủ, đây là hành vi nghiêm trọng.
Để ngăn chặn, bên cạnh việc định nghĩa về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Quy định 131 còn mô tả 21 hành vi điển hình rất cụ thể. Có thể kể đến những hành vi điển hình như: Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm; Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán; Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra; Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán…
Đặc biệt, Quy định 131 còn yêu cầu rõ đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán không được nhận quà vật chất và các lợi ích phi vật chất của đối tượng kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán dưới mọi hình thức. Thậm chí cả cán bộ làm công tác tham mưu cũng không được nhận quà vật chất và các lợi ích phi vật chất của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn, lĩnh vực mình được phân công theo dõi, phụ trách dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân khác cũng bị nghiêm cấm: Can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; Thiết lập quan hệ để hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích chạy tội, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết về kết luận, quyết định kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán không đúng bản chất sự việc…
Với những nội dung bao quát rất nhiều tình huống để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, Quy định 131 sẽ là công cụ hữu hiệu để giữ sự nghiêm minh khi thực thi quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng quan trọng hơn cả, quy định đó phải trở thành một “chiếc gương” để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, như “đánh răng, rửa mặt hằng ngày” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắn nhủ.
Nguồn TTXVN