Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, cùng 250 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; Thường trực một số tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương…
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Lê Trường Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo Hội thảo; cùng 100 đại biểu đại diện Lãnh đạo UBND, Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; lãnh đạo các ban, sở, ngành, Hội văn học, nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế và một số tỉnh, thành lân cận; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện thuộc khối văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế…
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, TP.HCM; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng 150 đại biểu đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Hội văn học, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện thuộc khối văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…
Phát biểu khai mạc và định hướng Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" có vai trò đặc biệt quan trọng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng cũng nhấn mạnh: "Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm".
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2, Tổng Bí thư đã định hướng: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
"Như vậy Hội thảo được tổ chức chính là nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021"- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.
Với hơn 80 tham luận gửi đến Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và văn nghệ sĩ sẽ tập trung phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó.
Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận vào các nội dung lớn sau:
Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt, chúng ta cần đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hy vọng Hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Hội thảo diễn ra trong ngày 29/11 với hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Phiên thứ hai với chủ đề Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới./.
Theo Tổ quốc