Gần đây, tình trạng lệch chuẩn trong lối sống, văn hóa ứng xử của một bộ phận CBCC có biểu hiện gia tăng. Một trong những hành vi lệch chuẩn ấy là sử dụng nơi làm việc để quan hệ “mây mưa”.
Vụ việc Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) quan hệ bất chính với nhân viên cấp dưới chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, thông tin về vụ một chánh thanh tra tại Viện KSND tỉnh Đồng Nai, có hành vi quan hệ tình dục với một phụ nữ ngay tại phòng làm việc đã khiến nhiều người bức xúc. Trước đó, dư luận cũng xôn xao khi chánh án TAND một huyện ở tỉnh Quảng Bình, bị lộ clip “nóng” quan hệ tình dục với nữ kế toán tại cơ quan.
Công sở là nơi mà những công bộc của dân phải giữ nghiêm chuẩn mực đạo đức và kỷ luật công vụ. Sử dụng công sở để quan hệ bất chính là coi thường kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của những CBCC này dù biểu hiện ở hình thức và mức độ nào cũng đều có nguy cơ, gây tác động xấu, làm suy giảm nghiêm trọng hình ảnh người CBCCtrong mắt người dân.
Nhìn rộng ra, đã là CBCC thì trong môi trường nào, hoàn cảnh nào cũng phải hành xử đúng đắn, chuẩn mực. Trong tiếp xúc, làm việc, giải quyết công việc của người dân, người CBCC lại càng phải ứng xử chuẩn mực theo tinh thần “Chính phủ kiến tạo và liêm chính”, cho dù bản thân chịu nhiều áp lực, nhiều stress do công việc mang lại. Hành vi lệch chuẩn của một số CBCC thời gian qua cho thấy, phông văn hóa của họ còn hạn chế, lại thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện dẫn tới sự nhận thức, hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng của người CBCC không đúng. Dù chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, nhưng việc CBCC thiếu kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý cảm xúc, phát ngôn thiếu chuẩn mực, hành vi thô lỗ… ít nhiều làm niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền bị giảm sút.
Lối sống tha hóa của một bộ phận CBCC đòi hỏi sự vào cuộc mạng mẽ hơn của các cấp ủy Đảng, Chính quyền. Đó không chỉ là cách để xử lý nghiêm và kịp thời những CBCC sai phạm, mà còn mang ý nghĩa cảnh tỉnh đội ngũ CBCC nhìn nhận lại và điều chỉnh bản thân, hướng đến những hành vi đúng đắn, chuẩn mực.
Xây dựng văn hóa, văn minh nơi công sở sẽ thiết lập được môi trường làm việc thân thiện, chân tình, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng và ban hành Quy tắc ứng xử của CBCC, người lao động trong các cơ quan nhà nước, trong đó nhấn mạnh những quy định mà CBCC phải tuân thủ như: ăn mặc, đi đứng, phát ngôn, cử chỉ, thái độ khi làm việc, tiếp dân, xử lý hồ sơ, thủ tục của dân và trên tất cả là giữ gìn đạo đức lối sống. Lãnh đạo các địa phương kỳ vọng, việc đưa ra hàng loạt các quy định sẽ tiếp sức thêm cho quá trình rèn luyện một đội ngũ CBCC tận tụy phục vụ nhân dân; xây dựng một nền công vụ kỷ luật, kỷ cương hành chính, có hiệu lực, hiệu quả. Dư luận đồng tình với chủ trương và cách làm đó, nhưng cho rằng, cần triển khai và thực hiện một cách thường xuyên, thiết thực, cần phải có chế tài đủ mạnh, biện pháp xử lý nghiêm khắc, thậm chí sẵn sàng loại bỏ những CBCC không đáp ứng các tiêu chí ra khỏi bộ máy công vụ.
Một biện pháp quan trọng và không thể thiếu là gắn kết trách nhiệm các cấp lãnh đạo trong công tác đào tạo, quản lý và giáo dục CBCC thuộc quyền. Một khi đã xây dựng được một cơ chế giám sát chặt chẽ, khơi dậy trong mỗi CBCC lòng tự hào “tôi là công chức” và cả những chế tài nghiêm khắc, thì những hành vi lệch chuẩn như: cờ bạc, mê tin đị đoan, biến công sở thành nơi “mây mưa”… khó có thể xảy ra.
Văn hóa ứng xử nơi công sở chính là thước đo sự văn minh của mỗi CBCC, hay nói khác đi chính là sự phản ánh nhận thức của mỗi cá nhân trong môi trường làm việc nơi công sở. CBCC vi phạm kỷ luật bị xử lý theo quy định là điều chắc chắn. Một khi “tay đã nhúng chàm” thì cách tốt nhất là nhận trách nhiệm và tự giác rời công việc. Đó là sự tự trọng tối thiểu của bất cứ CBCC nào ngay từ những ngày đầu bước vào con đường phục vụ nhân dân.
Theo Báo BRVT